Tiếp tục xem xét cấp “sổ đỏ” cho Condotel

0
132

Cụ thể, theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, xét đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, ý kiến của các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường về giải quyết các kiến nghị của Công ty Cổ phần Vinpearl đề nghị tiếp tục xem xét, giải quyết, cấp Giấy chứng nhận cho người mua căn hộ du lịch, biệt thự du lịch.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, đồng thời rà soát lại các vấn đề liên quan để thực hiện theo đúng quy định.

Theo thống kê của HoREA, trong hơn 10 năm qua, với việc tự sáng tác ra loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở”, một số UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho condotel. Điều này cũng đã thúc đẩy loại hình “con lai” này phát triển mạnh ở các địa phương có thế mạnh về du lịch.

Tuy nhiên, khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” là một khái niệm quá khuôn khổ pháp luật, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Định… đã khai tử cho loại hình đất này. Theo đó, hành lang pháp lý của condotel và “sổ đỏ” cho condotel vẫn là vướng mắc chưa được tháo gỡ và là một trong những rào cản lớn khiến thị trường condotel gần như bị đóng băng trong suốt 2 năm qua.

Ngày 23/04/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT- TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành cơ chế quản lý đối với một số loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư”, trong đó có “căn hộ lưu trú (condotel)”.

Đầu năm 2020, Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu. Đây được kỳ vọng là “giấy khai sinh” cho loại hình condotel.

Tuy nhiên, các văn bản trên vẫn chưa đủ lực tác động để gỡ rối cho condotel. Chưa kể, ngay bản thân thông tư, công văn hướng dẫn thi hành của các bộ ngành đối với loại hình bất động sản này cũng còn nhiều mâu thuẫn.

Đơn cử như Thông tư 21 của Bộ Xây dựng dùng khái niệm “căn hộ lưu trú” để chỉ “căn hộ du lịch (condotel)”, chưa thống nhất với quy định của Luật Du lịch và Nghị định 168 của Chính phủ.

Tháng 10/2020, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo số 33/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch – condotel, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Tuy nhiên, đến nay, theo các chuyên gia, vấn đề mấu chốt của hành lang pháp lý condotel, quy định tại Luật Đất đai thì vẫn tiếp tục phải chờ vì Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tháng 5/2022 và lần 2 vào kỳ họp tháng 10/2022.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trước[Infographics] Dự báo 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán quý III/2021
Bài tiếp theoDịch vụ mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây