Tiền từ đâu chảy vào chứng khoán?

0
145

Dịch bệnh COVID-19 buộc xã hội phải giãn cách trong nhiều giai đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, dòng chảy của tiền trong nền kinh tế trở nên dễ dàng trên nền tảng số khiến thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, trong khi phía nguồn cung, toàn thị trường chứng khoán có thêm chưa tới 10 doanh nghiệp niêm yết mới, thì về về sức cầu, có 500.000 tài khoản mới được mở, tìm cơ hội đầu tư, kiếm lãi từ thị trường. Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán giúp nhiều phiên thị trường ghi nhận mức thanh khoản trên 1 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là dòng tiền đến từ đâu và liệu có gì bất thường?

Tại chuỗi Tọa đàm “Thị trường chứng khoán và dự báo” do Tạp chí Kinh tế và dự báo tổ chức vừa qua, ông Tô Giang Nam, Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital) cho biết, theo quan sát, dòng tiền đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu từ 3 nguồn. Thứ nhất là dòng tiền đến từ nhà đầu tư nước ngoài, mà chủ yếu là các nhà đầu tư châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Thứ hai là dòng tiền đến từ các quỹ ETF, tính đến cuối quý I/2021, ghi nhận lượng vốn ròng lên tới 8.700 tỷ đồng tại 10 quỹ ETF đang đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Và nhiều ý kiến cho rằng, còn một nguồn tiền nữa đổ mạnh vào thị trường là từ nhà đầu tư F0 nhưng theo ông Tô Giang Nam cần xem lại. Qua số liệu thống kê cho thấy, lượng tiền sẵn sàng giao dịch của các nhà đầu tư F0 mở mới trong thời gian 1 năm qua tính đến cuối quý I/2021 là khoảng 85.000 tỷ đồng. Mức tăng của nguồn tiền này chỉ là 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Vậy đâu là dòng tiền chính thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng bùng nổ? Ông Tô Giang Nam cho rằng có một phần không nhỏ đến từ tiền vay, cụ thể là hoạt động margin, hết quý I/2021, dư nợ margin của các công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư khoảng 101.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 25% so với quý liền kề.

Đây là số tăng ấn tượng. Nguồn tiền cho nhà đầu tư vay một phần đến từ vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán và phần lớn đến từ tín dụng, từ nguồn công ty chứng khoán vay ngân hàng, thông qua phát hành trái phiếu dài hạn. Trong năm 2020, nhiều công ty chứng khoán huy động thành công nguồn trái phiếu này.

Cũng tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết quy định pháp lý đã rất rõ ràng, đó là công ty chứng khoán không được cho vay margin quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Trên thực tế, vì nhận diện cho vay margin là dịch vụ tốt, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên các công ty chứng khoán đã đầu tư cho hệ thống quản trị rủi ro. Hệ thống này được xây dựng theo hướng vận hành tự động, hầu như không có sự can thiệp của yếu tố con người.

“Cho vay giao dịch ký quỹ (margin) như con dao 2 lưỡi, vì khi thị trường chứng khoán diễn biến lên điểm thì ổn, nhưng lúc thị trường đi xuống sẽ gây ra những hiệu ứng không tốt. Với quy mô cho vay margin đạt hơn 100.000 tỷ đồng hiện nay, các công ty chứng khoán, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng…” – ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cho biết thêm, vừa rồi các công ty chứng khoán tăng vốn, trong đó có sử dụng phần vốn huy động được để cho vay margin. Trong giai đoạn hiện nay việc cho vay margin cần hết sức cẩn trọng, vì khi thị trường diễn biến theo chiều hướng đi xuống, thì không chỉ ảnh hưởng đến công ty chứng khoán, mà còn ảnh hưởng nhà đầu tư cũng như thị trường.

“Tuy hiện nay dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nhưng vẫn tiềm ẩn những vấn đề không lường được hết, nên cả công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư cần cẩn trọng với hoạt động cho vay và đi vay margin, để góp phần giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững…”, Phó Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn khuyến nghị.

Ông Phạm Hồng Sơn cho biết thêm “Tôi đã nhiều lần nói với công ty chứng khoán rằng, cho vay margin mà đúng theo quy định của pháp luật, thì không có vấn đề gì, sợ nhất là tuân thủ không đúng quy định. Chúng tôi đã có văn bản nhắc nhở các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ phải luôn đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật…”, ông Sơn nói.

Liên quan đến hoạt động thanh, kiểm tra cho vay margin, ông Sơn cho hay, 6 tháng cuối năm 2021, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước sẽ thực hiện quyết liệt kiểm tra hoạt động cho vay margin của các công ty chứng khoán, nhằm đảm bảo việc này diễn ra đúng theo quy định của pháp luật. Qua đó bảo vệ cả công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư, thị trường…

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trước“Nhọc nhằn” bất động sản phát mãi
Bài tiếp theoTham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, chủ xe cơ giới có nghĩa vụ gì?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây