Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành đầy đủ và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Trong đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được triển khai hiệu quả góp phần thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như: miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ đã chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế. Đồng thời, giảm chi thường xuyên xuống còn 63,85%, chi đầu tư tăng lên 27,6% tổng chi ngân sách.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong quản lý tài sản công, Chính phủ đã ban hành 17 nghị định, 01 quyết định, 01 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản công giúp việc mua sắm, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Trong quản lý đầu tư công, Chính phủ kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao. Nhờ đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 86,7% kế hoạch, cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ xác định phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, trọng tâm chỉ đạo, điều hành là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2276/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Theo đó, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự xã hội, phát triển kinh tế; phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế – xã hội được Quốc hội thông qua…
Cũng tại phiên họp, trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phi năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, Chính phủ đã tích cực đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước. Nhiều sáng kiến trong công tác kiểm soát dịch bệnh đã được triển khai giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh giản; cải cách hành chính hiệu quả. Hệ thống văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công tiếp tục được hoàn thiện; việc rà soát xử lý xe công dôi dư, sắp xếp xử lý nhà đất, trụ sở làm việc, nhà công vụ tiếp tục được triển khai nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò quan trọng của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà các thành phần kinh tế ngoài nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí; khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…