Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Nathan

0
153

Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chào mừng bà Sue Chodakewitz cùng đoàn công tác tới thăm và làm việc với Bộ Tài chính. Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng đã thông tin và đánh giá kết quả thực hiện Dự án TFP từ năm 2019 đến nay.

Theo đó, Dự án TFP đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính trong triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới, củng cố vai trò của Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và triển khai đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể; tạo thuận lợi đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, áp dụng quản lý rủi ro nhằm tạo thuận lợi thương mại; thúc đẩy hoạt động tăng cường năng lực cán bộ công chức hải quan, tăng cường thực thi và phối hợp giữa các địa phương…

Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá cao dự án đã mang lại hiệu quả tốt, vượt qua những rào cản do dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua để đảm bảo triển khai hoạt động đúng tiến độ.

Thứ trưởng cũng bày tỏ cảm ơn bà Sue Chodakewitz đã có chỉ đạo sát sao để Văn phòng của dự án tại Hà Nội hoạt động thực sự có hiệu quả, góp phần giúp dự án đạt kết quả như mong đợi.

Bà Sue Chodakewitz – Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Nathan cảm ơn Thứ trưởng Vũ Thị Mai và Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Tập đoàn Nathan để dự án đạt được các kết quả tích cực nêu trên.

“Chúng tôi rất vui mừng khi chứng kiến sự thành công của dự án và chứng kiến Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực thương mại và kinh tế” – bà Sue Chodakewitz bày tỏ và cam kết sẽ cố gắng hết sức thực hiện kết thúc dự án một cách thành công nhất trong năm cuối – năm 2023.

Một số hoạt động lớn của Dự án TFP dự kiến triển khai năm 2022-2023

Hỗ trợ xây dựng Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Nhà nước với các bên liên quan khác thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; xây dựng, phổ biến Nghị định quản lý kiểm tra chuyên ngành mới (nâng cao nhận thức truyền thông/tham gia của khu vực tư nhân/đào tạo). Hỗ trợ các bộ, ngành liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Bộ Công thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Y tế), rà soát đánh giá các quy định hiện hành nhằm thực hiện cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành.

Quản trị thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO, trong đó tăng cường thực thi các cam kết trong TFA; hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp trong Hiệp định TFA, đổi mới cơ chế tạo thuận lợi thương mại; thúc đẩy sự tham gia sâu rộng của khu vực tư nhân trong Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia và cơ chế tạo thuận lợi thương mại tại địa phương.

Về thương mại điện tử cho hàng hóa xuất nhập khẩu: Tiếp tục hỗ trợ Tổng cục Hải quan xây dựng nghị định mới về thương mại điện tử; phổ biến nghị định mới cho các cục hải quan địa phương, khu vực tư nhân và các bên liên quan.

Về phát triển quan hệ đối tác giữa hải quan và khu vực tư nhân: Nâng cao hiệu quả đối thoại/tham vấn và quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp: tổ chức các cuộc họp về tạo thuận lợi thương mại với khu vực tư nhân; hợp tác phát triển kiến thức trong phân định thương phẩm giữa hải quan và doanh nghiệp; hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp FDI; hỗ trợ thực hiện chương trình tuân thủ cho doanh nghiệp FDI; khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp đối với Cơ chế một cửa Quốc gia.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcBộ Tài chính và SECO hợp tác trong quản lý tài chính công
Bài tiếp theoRa mắt phiên bản nâng cấp ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế 4.8.4

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây