Phấn đấu 100% người nộp thuế sẽ được cấp định danh và xác thực điện tử
Mục tiêu tổng quát trong đề án phát triển CNTT đến năm 2030 của ngành Thuế là hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế và cung cấp dịch vụ điện tử, dịch vụ số cho người nộp thuế (NNT).
Cùng với đó, cơ sở dữ liệu ngành Thuế chính xác, đầy đủ, kịp thời, hỗ trợ hiệu quả cho quản lý rủi ro, tiến tới cơ chế tự động kiểm tra chéo một cách có hệ thống các thông tin từ bên thứ ba nhằm phát hiện các nội dung tiềm ẩn rủi ro dẫn tới sai lệch trong hồ sơ khai thuế. Hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.
Trong đó, mục tiêu về ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ cho NNT đến năm 2025 là 100% NNT được cấp định danh và xác thực điện tử để sử dụng dịch vụ thuế điện tử do ngành Thuế cung cấp; 90% thủ tục hành chính thuế được thực hiện theo hình thức giao dịch điện tử cấp độ 3, 4. 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% thông tin về khai thuế, nộp thuế điện tử được xử lý trong 24 giờ. 100% số tiền nộp thuế điện tử được hạch toán theo thời gian thực nộp. 100% NNT được cấp tài khoản tra cứu nghĩa vụ thuế và nộp thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động thông minh.
Về ứng dụng CNTT trong quản lý thuế, 100% nhu cầu thu thập, xử lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu có thể tin học hóa cho công tác quản lý thuế và chỉ đạo điều hành của cơ quan Thuế được ứng dụng CNTT theo hướng tích hợp, tập trung. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan thuế được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan thuế. 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng.
Ngành Thuế đặt mục tiêu 100% hệ thống báo cáo định kỳ được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo lộ trình chung của Bộ Tài chính, Chính phủ. 100% hồ sơ công chức, viên chức được lưu trữ, quản lý dưới dạng hồ sơ điện tử. 100% công chức, viên chức được cấp tài khoản để sử dụng các hệ thống CNTT bao gồm: tài khoản người dùng, thư điện tử, tài khoản trao đổi thông tin trực tuyến. 100% nhu cầu kết nối trao đổi thông tin giữa các đơn vị, bộ ngành, tổ chức liên quan được ứng dụng CNTT theo lộ trình triển khai các văn bản thỏa thuận, hợp tác giữa các bên.
Đặc biệt, đến năm 2030, hệ thống ứng dụng CNTT của ngành Thuế sẽ cấp định danh và xác thực điện tử cho 100% NNT để sử dụng dịch vụ thuế điện tử do ngành Thuế cung cấp. 100% thủ tục hành chính thuế được thực hiện theo hình thức giao dịch điện tử cấp độ 3, 4. Tiếp tục duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Xây dựng kho cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế
Để thực hiện được mục tiêu đó, ngay trong năm 2022, ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống ứng dụng Quản lý hoá đơn điện tử tại cơ quan Thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật về thuế để phục vụ triển khai dịch vụ cung cấp thông tin cho NNT.
Đồng thời tiếp tục triển khai việc kết nối với các đơn vị ngoài ngành Thuế để trao đổi thông tin theo các thoả thuận hợp tác, quy chế phối hợp; xây dựng dự án quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn; ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại nâng cấp hệ thống phần mềm, cải tiến, mở rộng các dịch vụ hỗ trợ trả lời tự động, hỗ trợ tuyên truyền phổ biến kiến thức cao mức độ tuân thủ tự nguyện của NNT và hỗ trợ NNT có đầy đủ thông tin để thực hiện về nghĩa vụ thuế.
Cơ quan Thuế cũng xây dựng hệ thống kết nối trao đổi dữ liệu từ các bộ, ngành, ngân hàng và các tổ chức liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hỗ trợ NNT; hệ thống chia sẻ dữ liệu dùng chung của ngành Thuế cho phép người dùng có thể khai thác, sử dụng dữ liệu quản lý thuế theo chính sách, quy định hiện hành.
Cùng với đó, các trang thiết bị CNTT dành cho công chức, viên chức thuế đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa môi trường làm việc của ngành thuế, đồng thời phát triển các hệ thống làm việc tại nhà, từ xa cho công chức, viên chức thuế. Tổng cục Thuế sẽ triển khai mở rộng kênh truyền kết nối với các đơn vị bên ngoài, các tổ cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trong lĩnh vực thuế (TVAN), qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Về lâu dài, cơ quan Thuế tiếp tục duy trì nâng cấp mở rộng các phần mềm ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin hiện hành đáp ứng các thay đổi về yêu cầu nghiệp vụ, kỹ thuật. Hoàn thiện phần mềm Quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ, hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện tiếp nhận, xử lý tự động các quy trình quản lý thuế đối với mọi sắc thuế và đáp ứng chế độ kế toán thuế nội địa; hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện các quy trình quản lý thuế đặc thù như quản lý thuế đất, quản lý thuế phi nông nghiệp, quản lý cá nhân kinh doanh, quản lý lệ phí trước ba nhà đất, quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đặc biệt, ngành Thuế sẽ tập trung xây dựng kho cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế trên nền tảng tích hợp và nền tảng dữ liệu lớn (Big Data và Data lake) để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý thuế và quản lý tuân thủ; phát triển hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro; nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mạng (5G/6G) trong việc cung cấp các dịch vụ trên nền tảng ứng dụng di động. Phát triển hạ tầng internet vạn vật (IoT) và các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ hiệu quả công tác quản lý thuế.