Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thăng hoa, nhà đầu tư cần cẩn trọng

0
135

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lãi suất phát hành bình quân của TPDN (trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý II/2021 là 9,95%/năm, giảm 0,33 điểm phần trăm so với quý đầu năm. Dù lãi suất phát hành trái phiếu có giảm nhưng mức giảm rất nhỏ so với đà giảm sau của lãi suất huy động.

Tuy nhiên, triển vọng của thị trường TPDN vẫn được đánh giá là tích cực. Báo cáo Triển vọng Thị trường TPDN Việt Nam 2021 của Fiin Ratings cho rằng năm 2021, thị trường TPDN vẫn sẽ sôi động, dù về quy mô thì sẽ khó đạt được giá trị phát hành như năm 2020. Các hoạt động phát hành riêng lẻ vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn, các hoạt động phát hành ra công chúng sẽ được chú ý và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thời gian tới, thay vì chỉ chiếm 6,5% tổng giá trị phát hành như trong năm 2020.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020, chiếm 8,3% tổng khối lượng TPDN phát hành cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng, đây là tín hiệu tốt trên thị trường TPDN.

Công ty chứng khoán SSI cho rằng, chênh lệch lãi suất TPDN và lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao là động lực chính giúp thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư. Nhiều khả năng, thị trường TPDN vẫn tiếp tục tăng trưởng bởi nhu cầu đầu tư TPDN cao trong khi nguồn cung TPDN vẫn dồi dào.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường TPCP kéo theo nỗi lo đối với các nhà đầu tư tham gia thị trường. Còn nhớ, vào quãng thời gian trước, trên thị trường TPDN, các khách hàng chủ yếu là các ngân hàng thương mại và tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2018, thị trường dần trở nên đáng chú ý khi có sự tham gia ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần khuyến cáo những rủi ro trên thị trường TPDN cho bản thân DN, nhà đầu tư và thị trường.

Đặc biệt, đối với nhà đầu tư mua trái phiếu, pháp luật quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN riêng lẻ. Theo đó, để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua TPDN phát hành riêng lẻ, pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ.

Tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện tình trạng nhà đầu tư “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua TPDN riêng lẻ nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro, không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo, trái phiếu có được mua lại hay không… Hành vi này sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư, nhà đầu tư có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu và vi phạm quy định của pháp luật.

Đại diện Bộ Tài chính cũng khuyến cáo, nhà đầu tư cần phân biệt rõ phương thức phát hành TPDN ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ; chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.

Đặc biệt, nhà đầu tư lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Việc các tổ chức cung cấp dịch vụ phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào TPDN.

Trong buổi toạ đàm trực tuyến Phát triển thị trường TPDN “Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư” do Tạp chí VnEconomy tổ chức sáng 16/8, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings cũng khuyến cáo, trong 3-5 năm tới, thị trường tài chính Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro nợ trái phiếu.

Theo đó, dù quy mô thị trường TPDN của Việt Nam nhỏ nhưng với mức 15% quy mô dư nợ toàn hệ thống thì cũng cần phải được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhiều DN đứt gãy dòng tiền.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcChủ động, hiệu quả trong triển khai các chính sách Bảo hiểm xã hội
Bài tiếp theoDoanh nghiệp triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới phải gửi báo cáo về Bộ Tài chính

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây