Có thể nói đại dịch COVID -19, với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng và quy mô toàn cầu đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội mọi quốc gia, trong đó Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Xét dưới góc độ quản trị quốc gia và đối với lĩnh vực kinh tế: tác động của đại dịch COVID-19 chỉ khác khủng hoảng kinh tế về nguyên nhân và yếu tố tác động, còn hệ quả đều làm cho các thị trường, nhất là thị trường hàng hóa, dịch vụ bị ảnh hưởng, doanh nghiệp và người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn lực đất nước không chỉ tập trung cho công tác phòng chống dịch mà còn tập trung cho công tác ổn định kinh tế vĩ mô duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là điểm khác biệt so với các giải pháp thông thường để xử lý các vấn đề do tác động của khủng hoảng kinh tế.
Khái niệm nhiệm vụ kép gắn liền với công cuộc phòng chống đại dịch COVID- 19, như là cách làm sáng tạo của Việt Nam và thành công của sự sáng tạo đó, về mặt phát triển kinh tế xã hội (kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế dương), có đóng góp quan trọng từ yếu tố ổn định thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và mang đậm dấu ấn của chính sách tiền tệ và yếu tố công nghệ, với các dịch vụ ngân hàng điện tử rất hiệu quả trong thực hiện giải pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Chính sách tiền tệ, với mục tiêu quan trọng là ổn định giá trị tiền đồng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô – đã được khẳng định trong 5 năm qua và trong 6 tháng đầu năm 2021, với nền tảng ngày càng vững chắc hơn. Tỷ giá được điều hành linh hoạt hiệu quả, vừa đảm bảo phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch, các hoạt động kinh tế đối ngoại, vừa đảm bảo ổn định giá trị tiền đồng đặt trong mối quan hệ hợp lý: lãi suất – tỷ giá và lạm phát, với các yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút đầu tư. Trong đó, chống đôla hóa nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực: hạn chế tối đa việc nắm giữ và đầu cơ ngoại tệ, vàng; tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ và cho vay bằng ngoại tệ giảm, chiếm tỷ lệ thấp (chỉ còn khoảng 10%) trong tổng tiền gửi và tổng dư nợ tín dụng, giảm thiểu rất nhiều rủi ro tài chính mỗi khi ngoại tệ biến động. Mục tiêu về chuyển hẳn quan hệ gửi -vay bằng ngoại tệ sang bán – mua ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu hợp pháp về ngoại tệ của doanh nghiệp, của người dân sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, bởi Ngân hàng Trung ương đang thực hiện rất hiệu quả chính sách tín dụng ngoại tệ; chính sách tiền gửi ngoại tệ và chính sách quản lý vàng, ngoại tệ gắn với điều hành tỷ giá linh hoạt.
Thị trường tiền tệ ổn định, chính sách lãi suất và điều hành lãi suất gắn với chính sách tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên, cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế: tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn luôn chiếm trên 70% trong tổng dư nợ tín dụng; cơ cấu tín dụng hợp lý giữa tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn; cơ cấu tín dụng theo ngành gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng nền kinh tế.
Chính sách lãi suất luôn là chính sách khó, bởi trong nền kinh tế thị trường lãi suất là yếu tố giá cả, diễn biến theo quan hệ cung – cầu về vốn. Tuy nhiên sự hợp lý trong điều hành và thực thi chính sách lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do khủng hoảng, do thiên tai và dịch bệnh: vừa đảm tính thị trường, vừa đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp và yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô – Chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương đã mang lại hiệu quả và đạt được đa mục tiêu trong suốt thời gian qua. Trong đó, chính sách lãi suất thấp và yêu cầu giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị tác động ảnh hưởng của đại dịch đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp rất lớn, trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, duy trì dòng tiền, ổn định và tăng trưởng.
Những kết quả quan trọng, mang lại từ chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHTW, góp phần vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ kép mà Chính phủ đề ra trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Kết quả đó, là động lực để ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy thành công đạt được và cùng với kết quả đứng đầu về cải cách hành chính, hoạt động của ngành Ngân hàng ngày càng củng cố niềm tin thị trường, niềm tin người dân và doanh nghiệp trong nước; niềm tin nhà đầu tư nước ngoài, tạo lập uy tín quốc gia và đặc biệt thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố vững chắc nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, yếu tố quan trọng và tiên quyết trong phát triển kinh tế xã hội. Chỉ có ổn định kinh tế vĩ mô, mới tạo điều kiện tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.