Tốc độ hồi phục chậm lại, dễ tạo ra thế đảo chiều
Theo ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng, đà phục hồi trong tháng 8 vẫn được xem là xu hướng tích cực ngắn hạn vì trung hạn áp lực lên thị trường vẫn còn lớn. Việc thị trường điều chỉnh tại vùng cản 1.280 điểm cũng không phải tiêu cực mà chạy đà để vượt qua trong những ngày sắp tới.
Ông Nguyễn Hữu Bình – Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) dự báo các giao dịch tuần cuối tháng 8 sẽ vận động trong biên hẹp và chưa tạo ra đột biến nào đáng chú ý. Ông Bình cho rằng trong tuần giao dịch này, VN-Index sẽ có khả năng lên mốc 1.300 điểm.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại một cách tổng quát có thể nhận thấy VN-Index hồi phục sát đến mốc điểm này và trên kỹ thuật đã chạm đến dải trên đường BB 50 vốn dễ tạo ra cú đảo chiều.
Đồng quan điểm, ông Dương Hoàng Linh – Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS) nhận định, nếu xét về xu hướng ngắn hạn, VN-Index hiện tại vẫn đang trong sóng hồi phục kéo dài 6 tuần, nhưng tốc độ đang có dấu hiệu chậm lại.
Hiện vẫn chưa có tín hiệu cho thấy trạng thái thị trường sẽ thay đổi nên khả năng diễn biến giằng co vẫn là chủ đạo về mặt chỉ số. Song, áp lực điều chỉnh sẽ tới ở nhiều cổ phiếu khi áp lực bán chốt lời đang có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng dòng tiền ngắn hạn có thể suy yếu.
Tránh mua đuổi, ưu tiên cổ phiếu trụ cột
Trong nửa đầu tháng 8, đà tăng của thị trường đến từ các mã cổ phiếu trụ như VCB, NVL hay HPG. Việc các mã vốn hóa lớn nhất thị trường hồi phục giúp VN-Index tăng điểm nhanh, chỉ trong chưa đến 3 tuần, chỉ số ghi nhận mức tăng gần 70 điểm.
Mặc dù thị trường ghi nhận đà phục hồi trở lại trong tháng 8 ở tất cả các nhóm vốn hóa, nhưng nếu so với đầu năm, mức hồi phục vẫn yếu, riêng nhóm vốn hóa lớn có mức suy giảm so với đầu năm.
Đà tăng tích cực của thị trường chung trong những tuần qua đến từ đa số nhóm ngành. Theo diễn biến trên thực tế, dòng tiền luân chuyển khá nhanh theo nhóm, ngành và không ngành nào tăng quá được 3 phiên. Trong đó, hai nhóm tăng điểm tốt nhất là dịch vụ tài chính – chứng khoán và tài nguyên cơ bản với các mã cổ phiếu thép. Nhiều chuyên gia cho rằng cách vận động này vẫn sẽ hiện hữu trong thời gian tới.
Theo nhận định từ chuyên gia Phan Dũng Khánh, trong bối cảnh thị trường bước vào “vùng trũng” thông tin ở cuối tháng 8, các nhà đầu tư không nên mua mới mà chỉ nên nắm giữ chờ dấu hiệu hoặc chạm các vùng kháng cự mạnh để chốt lời đối với những mã đã tăng nhiều từ vài chục % trở lên.
Bên cạnh đó, với những nhóm bắt đầu có dấu hiệu “hút” dòng tiền và biên độ tăng chưa quá 10%, nhà đầu tư có thể nghiên cứu “xuống tiền” trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý nhà đầu tư không nên sử dụng margin trong lúc này. Với những tài khoản có margin và tỷ trọng cổ phiếu lớn thì những thời điểm thị trường phục hồi có thể giảm bớt để giữ trở lại một phần tiền mặt.
Chuyên gia từ SBS – ông Dương Hoàng Linh cho rằng, giai đoạn tới đây, diễn biến của chứng khoán thế giới cũng có thể là yếu tố tác động nhiều đến thị trường trong nước. Chiến lược hợp lý lúc này là giữ tỷ trọng vừa phải, nên mua ở các nhịp điều chỉnh, tránh mua đuổi, ưu tiên cổ phiếu trụ cột có tác động tới chỉ số.