Từng bước phát triển, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư
Triển khai Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa TTCK phái sinh vào hoạt động. Theo đó, lộ trình được xác định: phát triển sản phẩm từ thấp đến cao, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch, phù hợp với tiến trình phát triển của thị trường tài chính và đáp ứng nhu cầu đầu tư và quản lý rủi ro của nhà đầu tư và các tổ chức phát hành.
Ngày 10/8/2017, TTCK phái sinh chính thức được khai trương giao dịch tại HNX với sản phẩm phái sinh đầu tiên được giao dịch trên thị trường là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30. Năm 2019, TTCK phái sinh có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm. Năm 2021, HNX tiếp tục đưa vào giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm.
Đến nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, TTCK phái sinh đã hoạt động một cách an toàn, hiệu quả và thông suốt, từng bước tăng trưởng ổn định, quy mô và thanh khoản thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường thu hút sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Hệ thống các thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cũng phát triển nhanh chóng, từ 7 CTCK thành viên khi mới khai trương thị trường, đến nay đã có 23 CTCK thành viên đáp ứng các điều kiện về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, và có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 900 tỷ đồng trở lên.
Theo thống kê, giao dịch sản phẩm Hợp đồng tương lai VN30 có sự tăng trưởng liên tục qua các năm. Nếu như năm 2017, khi sản phẩm Hợp đồng tương lai VN30 mới được đưa vào giao dịch, khối lượng giao dịch bình quân chỉ ở mức 10.954 hợp đồng/phiên, thì trong 7 tháng đầu năm 2022, khối lượng giao dịch Hợp đồng tương lai VN30 đã tăng gấp 21,3 lần, đạt 213.041 hợp đồng/phiên.
Khối lượng giao dịch Hợp đồng tương lai VN30 cao nhất lên tới 506.025 hợp đồng tại ngày 21/06/2022, tương ứng giá trị giao dịch theo danh nghĩa đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng. Khối lượng hợp đồng mở (OI) của sản phẩm Hợp đồng tương lai VN30 cũng liên tục tăng. Tại thời điểm cuối tháng 7/2022, khối lượng OI đạt 40.232 hợp đồng, tăng gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Mức OI cao nhất lên tới 61.090 hợp đồng vào ngày 14/1/2021.
Thanh khoản của sản phẩm Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đặc biệt tăng mạnh tại những thời điểm chỉ số VN30 giảm mạnh do ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hay sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu.
Bảng tổng hợp dữ liệu giao dịch HĐTL VN 30 từ 2017-7/2022
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
7/2022 |
KLGD bình quân/phiên |
hợp đồng |
10,954 |
78,791 |
88,740 |
158,390 |
188,887 |
213.041 |
Khối lượng OI (cuối kỳ) |
hợp đồng |
8,077 |
21,653 |
16,625 |
40,339 |
31,585 |
40.232 |
Đối với sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm và 10 năm, khối lượng giao dịch còn ở mức khiêm tốn do các yếu tố đặc thù của sản phẩm. Trong 7 tháng đầu năm 2022, khối lượng giao dịch bình quân đạt 680 hợp đồng/phiên, tại thời điểm cuối tháng 7/2022, khối lượng hợp đồng mở OI của Hợp đồng tương lai TPCP là 0 hợp đồng.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK phái sinh tăng lên hàng năm, năm sau thường tăng gấp 2 – 3 lần năm trước. Năm 2017, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng giao dịch 0,1%, số liệu TTCK phái sinh 7 tháng đầu năm 2022 cho thấy, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 2,2% tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường.
Từng bước khẳng định vai trò là kênh đầu tư hiệu quả và công cụ phòng ngừa rủi ro
Sau 5 năm hoạt động, TTCK phái sinh đã có sự tăng trưởng vượt các kỳ vọng đặt ra, và trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường cơ sở nhiều biến động.
Đặc biệt, khi thị trường cơ sở sụt giảm, cơ hội kiếm lời trên thị trường này không còn, thì nhà đầu tư sẽ tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường phái sinh, vì thị trường này cho phép họ kiếm lợi ngay cả khi thị trường cơ sở sụt giảm.
Bên cạnh vai trò là một kênh đầu tư, TTCK phái sinh còn thể hiện vai trò phòng vệ rủi ro cho thị trường cơ sở. Đặc biệt, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, thị trường phái sinh góp phần làm giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở, giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, giảm quy mô và mức độ sụt giảm trên thị trường cơ sở.
Có thể nói, thị trường phái sinh là giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư, tránh tình trạng họ tháo chạy khỏi TTCK khi thị trường cơ sở sụt giảm. Dữ liệu thực tế cho thấy, thanh khoản của TTCK phái sinh thường tăng lên trong các giai đoạn thị trường cơ sở có biến động mạnh, điều này có thể thấy rõ trong thời kỳ ảnh hưởng của đại dịch -19. Đây cũng chính là phản ứng tự điều chỉnh của thị trường, giúp trấn an và ổn định tâm lý nhà đầu tư.