Thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế – xã hội (*)

0
178

Theo đó, thị trường bảo hiểm đã trở thành công cụ hữu ích bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Cho đến nay, bảo hiểm đã và đang bảo vệ hầu hết các loại hình tài sản của mọi thành phần và ngành nghề kinh tế với nhiều loại hình bảo hiểm đa dạng như: bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản…

Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm cũng góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội. Hiện nay, khoảng 11,6 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ (tương đương 12% dân số); trên 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ. Những người được bảo hiểm này đã tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.

Đồng thời, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ với các chính sách bảo hiểm thí điểm, vì mục tiêu an sinh xã hội như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản. Một số chính sách bảo hiểm thiên tai hiện đang được triển khai nghiên cứu xây dựng sẽ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Trong thời gian qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng đã thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế. Việc tham gia thị trường của các công ty bảo hiểm nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào các DNBH trong nước không chỉ nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, nghiệp vụ chuyên môn bảo hiểm cho thị trường bảo hiểm, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực liên quan khác.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, trong hiệp định tự do hoá thương mại song phương và đa phương, lĩnh vực bảo hiểm luôn cam kết với lộ trình và mức độ mở cửa thị trường cao, tạo điều kiện thúc đẩy hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản…

Tuy nhiên, dù thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2020 đạt mức tăng trưởng cao, ổn định nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 3,07%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và mức trung bình thế giới (6,3%).

Đặc biệt, một số lĩnh vực như bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm xuất nhập khẩu, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe… tiềm năng của thị trường vẫn chưa được khai thác hết.

Trong bối cảnh đó, để tái cơ cấu thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, Đề án đã đề ra nhiều giải pháp với lộ trình thực hiện bao gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; Nâng cao tính minh bạch thông tin của thị trường; Phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm…

(*) Lược trích từ bài “Nhiều dư địa phát triển cho thị trường bảo hiểm Việt Nam” đăng trên Tạp chí Tài chính tháng 1+ 2 năm 2021.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTổng cục Dự trữ Nhà nước: Tạo nền tảng phát triển vững
Bài tiếp theo[Video] Đồng bộ giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2021

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây