Thấy gì từ việc Ngân hàng Nhà nước bán 21 tỷ USD dự trữ ngoại hối?

0
129

Từ đầu năm 2022 đến nay, các đồng tiền trên thế giới chịu áp lực mất giá khi đồng USD tăng giá mạnh. Đồng EURO đã mất 20 – 30% giá trị, các đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á mất giá khoảng 10 – 12%. VND là một trong những đồng tiền mất giá thấp nhất so với USD, khoảng gần 5% so với đầu năm.

Dự trữ ngoại tệ mỏng dần

Theo nhận định của giới chuyên gia, kiểm soát và ổn định tỷ giá là mục tiêu cấp thiết trước mắt của nhà điều hành chính sách tại Việt Nam. Trước những căng thẳng kéo dài về tỷ giá hối đoái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán một lượng USD đáng kể được từ dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá trong nước.

Báo cáo từ VinaCapital và ACBS ước tính NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 giảm mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam xuống mức 89 – 90 tỷ USD, tương đương với giá trị nhập khẩu khoảng 3 tháng.

Còn theo ước tính của công ty dữ liệu WiGroup, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm từ 110 tỷ USD xuống còn 87 tỷ USD, chạm ngưỡng an toàn.

Tuy nhiên, diễn biến tăng lãi suất chống lạm phát của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Vì vậy tỷ giá USD/VND cũng chưa hết sóng gió.

Cho đến hiện tại, phía NHNN vẫn luôn nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.

Theo đó, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân gồm có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu. Qua đó, góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia SSI lại tỏ ra lo lắng khi khả năng tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống mức khuyến nghị của IMF (3 tháng nhập khẩu).

“So với cuối năm 2021, giá USD tại Vietcombank đã tăng 4,7%, giá USD liên ngân hàng tăng 4,5%. Về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao, không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá” chuyên gia SSI nhận định.

Không cần quá lo ngại về dự trữ ngoại tệ

Đề cập đến thông tin bán hàng tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho rằng cần phải nhìn nhận việc NHNN bán ra ngoại tệ là một hoạt động điều hành hết sức bình thường. Quan trọng là trạng thái ngoại tệ ổn định, nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp trên thị trường được đáp ứng, và NHNN sẽ tiếp tục linh hoạt điều tiết để đảm bảo cung – cầu theo hướng đã thực hiện nhiều năm qua, khi thị trường có lượng dư thừa ngoại tệ thì lại mua vào.

“Trên nền tảng đó, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, phù hợp tình hình thị trường. Hiện NHNN đã sử dụng phương pháp điều hành tỷ giá trung tâm, theo nguyên tắc thị trường là cân đối ngoại tệ đảm bảo trong tầm kiểm soát của Nhà nước”, Phó Thống đốc NHNN khẳng định.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, năm nay vấn đề tỷ giá rất quan trọng và tương đối nóng, NHNN bán ngoại tệ để giữ ổn định tỷ giá là biện pháp cần thiết.

Tuy nhiên, thị trường lại đặt ra một câu hỏi rằng, liệu không gian dự trữ ngoại hối có còn đủ để thoải mái cân đối thị trường?

Thật ra, thời gian qua, chính sách tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước phối hợp nhiều công cụ, trong đó có “mượn sức” của hệ thống ngân hàng thương mại trong đáp ứng nguồn cung và điều tiết nhu cầu USD. Một số được chuyển qua bán kỳ hạn và tiếp tục gối vào ở kỳ hạn xa hơn.

Hiểu đơn giản, hoạt động bán ngoại tệ ổn định tỷ giá mới chỉ có một lượng nhỏ được giao ngay. Phần còn lại được đẩy về tương lai và chưa chắc đã được thực hiện, hoặc thực hiện khi thị trường thuận lợi, do đó lượng dự trữ ngoại hối vẫn còn khá nhiều.

Bên cạnh đó, hiện nay lãi suất huy động VND đang cao hơn sẽ khuyến khích USD chảy trở lại hệ thống ngân hàng. Điều này cuối cùng sẽ giúp NHNN xây dựng lại quỹ dự trữ ngoại hối.

Về vấn đề này, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital kỳ vọng, dự trữ ngoại hối sẽ ổn định quanh mức hiện tại trong năm nay do USD tiếp tục chảy vào Việt Nam thông qua dòng vốn FDI (khoảng 5% GDP), thông qua kiều hối (4%/GDP), và thặng dư thương mại của Việt Nam (xấp xỉ 2%/GDP). Điều này giúp Ngân hàng Nhà nước xây dựng lại quỹ dự trữ ngoại hối bị giảm đi do bán ra để ổn định tỷ giá.

NHNN cho biết đang lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi về việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, trong đó dự kiến sửa đổi quy định Điều 3 về xây dựng mức dự trữ ngoại hối nhà nước hàng năm. Theo đó, dự thảo mới bổ sung về cơ sở xác định mức dự trữ ngoại hối nhà nước dự kiến hàng năm “Dự kiến về nhu cầu can thiệp thị trường và cho các yêu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước”.

Ngoài ra, NHNN đã sửa đổi bổ sung về việc thực hiện can thiệp thị trường trong nước thông qua các hình thức mua, bán ngoại tệ với đồng Việt Nam dưới hình thức mua, bán ngoại tệ giao ngay; mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; mua, bán quyền chọn mua, quyền chọn bán ngoại tệ hoặc các hình thức mua bán khác do Thống đốc quyết định; hoán đổi ngoại tệ với đồng Việt Nam và các hình thức can thiệp thị trường trong nước khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcChi phí định mức phải điều chỉnh thận trọng, tránh ảnh hưởng đến giá xăng dầu
Bài tiếp theoBộ Tài chính triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội Đồng bằng sông Cửu Long

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây