Cơ hội và thách thức
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đều nhìn nhận đây là thời điểm để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và còn rất nhiều dư địa cho ngân hàng số, Fintech, Mobile Money. Vấn đề là các đơn vị tham gia lĩnh vực này cần tạo ra hệ sinh thái đa dạng, mang lại trải nghiệm tốt để giữ chân khách hàng.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết trên toàn thế giới, dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy khách hàng ở mọi lứa tuổi sử dụng thanh toán số nhiều hơn. Dự báo lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới giai đoạn 2019 – 2023 sẽ tăng thêm 19,3%.
Khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán mới nhiều hơn, 41% khách hàng bắt đầu sử dụng thẻ thanh toán không chạm, 35% khách hàng kết nối thẻ thanh toán với ví điện tử, 27% thử nghiệm các hình thức thanh toán qua mã QR. Dự báo đến năm 2024, thanh toán qua Mobile Money, ví điện tử, ví số trở thành công cụ thanh toán không tiền mặt rất quan trọng. Nếu năm 2020 thanh toán qua ví số chiếm khoảng 44,5%, đến năm 2024 dự báo thanh toán qua ví số chiếm khoảng 51,7%.
Tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 cũng là chất xúc tác góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các trung gian thanh toán đều tích cực thúc đẩy tiến trình này. Số lượng và giá trị giao dịch qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021.
“Tuy nhiên, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến, tỷ lệ tiền mặt trong nền kinh tế so với tổng phương tiện thanh toán vào từ tháng 5/2020 – 4/2021 ở khoảng 11,5%. Lượng tiền mặt trong lưu thông chiếm 11-12%. Số lượng giao dịch tiền mặt rất lớn. Tức là còn nhiều dư địa để phát triển thanh toán không tiền mặt” – TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Chung nhận định với TS. Cấn Văn Lực, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho hay hiện số lượng tài khoản thanh toán tại Việt Nam là hơn 100 triệu tài khoản nhưng tỷ lệ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt không cao, vẫn còn rất nhiều giao dịch rút tiền ATM. Các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ rơi vào một số nhóm khách hàng nhất định. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hầu như đều có tài khoản nhưng lại ít sử dụng để thanh toán, do đó, dư địa để phát triển còn rộng.
Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc VNPay nhận định giai đoạn hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng tốt nhưng mới chỉ tập trung ở thành phố lớn. Như đối với thanh toán qua máy POS, Việt Nam có gần 300.000 điểm chấp nhận thanh toán. Nhưng còn khoảng 1,5 – 2 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh, đây đều là dư địa để phát triển thêm các điểm chấp nhận thẻ, là dư địa để các ngân hàng, các trung gian thanh toán, các công ty Fintech cùng khai phá.
Mặc dù còn dư địa nhưng các chuyên gia cũng nhìn nhận các thách thức đặt ra không nhỏ. Hàng loạt các thách thức được nêu ra như những trải nghiệm của khách hàng không tốt dẫn đến thiếu niềm tin, có sự băn khoăn; thách thức về hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh mạng thông tin, an ninh dữ liệu; thói quen và hiểu biết của người tiêu dùng; khung pháp lý còn thiếu, cơ chế chính sách chưa theo kịp với sự phát triển công nghệ và nhu cầu người tiêu dùng; dữ liệu và cơ chế chính sách cho phép chia sẻ dữ liệu…
Ông Nguyễn Minh Tâm cho rằng công nghệ là một thách thức lớn, thị trường luôn xuất hiện những nhân tố mới đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia cần đầu tư cho công nghệ, cập nhật thường xuyên. Như Sacombank, ngân hàng luôn phải đảm bảo cập nhật, nâng cấp bảo mật, chuyển đổi thẻ chip, chưa kể luôn phải nâng cao các dịch vụ tiện ích cho khách hàng. Do đó, để có sự đa dạng dịch vụ cho khách hàng đòi hỏi cả thị trường phải tham gia đa dạng sản phẩm. Ngoài ra, tâm lý khách hàng luôn e ngại rủi ro trong hoạt động thanh toán không tiền mặt vì vậy cả hệ sinh thái phải đảm bảo sự tiện lợi, an toàn cho khách hàng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số tại Vietbank, ông Phạm Tấn Lộc, Giám đốc khối dịch vụ Ngân hàng số của Vietbank cho biết để chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số cần lộ trình và xác định rõ mục tiêu. Vietbank xác định phát triển song song cả ngân hàng truyền thống và ngân hàng số với mục tiêu quầy giao dịch có dịch vụ gì thì trên nền tảng smart phone khách hàng đều có thể trải nghiệm, không phải tới quầy. Hiện Vietbank đang tập trung đưa vào sử dụng chữ ký số và đẩy mạnh hợp tác với các công ty Fintech để phát hành chéo tạo ra lợi ích cho cả 2 bên.
Giải pháp thúc đẩy sự phát triển
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Chủ tịch CLB Công nghệ Tài chính Việt Nam (Vina Fintech) cho rằng một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt chính là yếu tố pháp lý. Theo ông Nguyễn Đình Thắng, nếu thiếu hành lang pháp lý rất rủi ro cho các doanh nghiệp và người dân tham gia thị trường. Nhà nước phải thúc đẩy bằng quy định, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, đẩy nhanh thí điểm sandbox.
Về mặt công nghệ, ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng không khó, hoàn toàn nằm trong tầm tay của doanh nghiệp Việt Nam. “Vấn đề là cơ sở pháp lý và hệ sinh thái bao gồm ngân hàng, các đơn vị thanh toán, thương mại điện tử, logistics…” – ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.
Một hướng giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được các chuyên gia cùng nêu lên đó là vấn đề hợp tác, chia sẻ giữa các đơn vị tham gia. Ông Nguyễn Minh Tâm nhận xét đây là vấn đề trăn trở của lĩnh vực thanh toán, làm sao để các ví kết nối với nhau, người tiêu dùng có thể kết nối dịch vụ của nhiều bên, có thể chuyển đổi tiền giữa các ví một cách thuận lợi. Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết khi Sacombank có cổng kết nối thanh toán, ngân hàng luôn mở rộng kết nối với đối tác khác, hiện Sacombank có hơn 100 đối tác là các công ty Fintech, công ty viễn thông… tạo hệ sinh thái rộng cho khách hàng.
Ông Nguyễn Minh Tâm nêu ngay như phân khúc QR code, khách hàng than phiền phải tải quá nhiều mã QR và bối rối khi sử dụng. Vì vậy nếu có được sự hợp tác thì sẽ thuận tiện cho khách hàng hơn.
Ông Phạm Tấn Lộc cũng cho rằng ngân hàng nên có sự hợp tác trong việc chia sẻ dữ liệu đỡ tốn tài nguyên, nguồn lực, chi phí. Chẳng hạn như việc xác thực eKYC, mỗi ngân hàng tự thực hiện cách riêng. Nếu có sự hợp tác, chắc chắn sẽ tiết kiệm nhiều chi phí. Ông Lộc đề cập việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với cho vay ngang hàng ( P2P Lending), ngân hàng đại lý để giúp khách hàng có hệ sinh thái thanh toán thuận lợi hơn.
Trong khi đó, bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số, Tổng Công ty viễn thông Mobifone đề cập đến yếu tố trải nghiệm của khách hàng, làm sao để sản phẩm sử dụng thuận tiện, bảo mật an toàn mà vẫn tương thích với trải nghiệm khách hàng.
Cuối cùng, theo TS. Cấn Văn Lực, dư địa phát triển thanh toán không dủng tiền mặt ở Việt Nam còn rất lớn với các yếu tố dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng ở mức tương đối nhanh, hạ tầng công nghệ thông tin ở mức tương đối khác cùng với bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước, các trung gian thanh toán đều mong muốn thúc đẩy thanh toán không dủng tiền mặt.
Để chiếm lĩnh được thị trường này, các trung gian thanh toán cần tăng được niềm tin với người tiêu dung, phát triển hệ sinh thái thuận tiện cho khách hàng, an toàn bảo mật thông tin, giải quyết xử lý vướng mắc của khách hàng nhanh chóng, có sản phẩm mới tiện lợi dễ dùng…
Tuy nhiên, Chính phủ cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như thúc đẩy nhanh hơn cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, có cơ chế chia sẻ dữ liệu và bảo mật, phát triển hạ tầng công nghệ số…