Tín dụng tăng nóng
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính tới 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với mức tăng 6,47% cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Còn tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51%, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%.
Do tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng nóng, dẫn đến nhiều ngân hàng gần như đã cạn “room” cho nửa cuối năm và đại diện nhiều nhà băng đã đề nghị NHNN nới hạn mức này một cách phù hợp, để các ngân hàng tham gia hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, trái ngược với đề xuất này, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) lại cho rằng, cơ quan quản lý không nên nới mạnh “room” trong nửa cuối năm 2022.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng của Agribank là gần 6% tính tới ngày 30/6, trong khi hạn mức tín dụng cả năm là 7%. Như vậy, ngân hàng chỉ còn dư địa tăng trưởng tín dụng hơn 1% trong 6 tháng cuối năm. Song, Chủ tịch Agribank phân tích, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cao hơn 2 lần so với tốc độ huy động vốn là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cho lãi suất.
“Nguồn vốn trong dân chỉ có mức nhất định, tăng trưởng huy động vốn năm nay không tăng mấy so với năm trước trong khi tín dụng tăng quá mạnh thì các ngân hàng sẽ giành giật vốn lẫn nhau, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất.
Lãi suất đầu vào lên cao sẽ tạo áp lực lên lãi suất đầu ra, từ đó tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, gián tiếp tạo áp lực lạm phát. Nếu lạm phát tăng, mọi thành tựu thời gian qua sẽ trở về số 0”, ông Ấn lo ngại và mong muốn Chính phủ, NHNN có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng phù hợp.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng giải thích, mức tín dụng đưa ra thị trường là yếu tố lạm phát lõi, lạm phát cơ bản do yếu tố tiền tệ. Mức độ tăng, giảm tín dụng cũng là sự biểu hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hay thắt chặt. Trong đó, sự gia tăng tín dụng sẽ có tác động làm tăng cung tiền, qua đó tác động đến lạm phát. Nhưng ảnh hưởng của tín dụng đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế sẽ không giống nhau giữa các quốc gia và trong mỗi giai đoạn phát triển của thị trường tiền tệ, thì mức tác động của tín dụng đến nền kinh tế trong cùng một quốc gia cũng không giống nhau.
Ngoài ra, luôn có độ trễ nhất định từ tác động của chính sách tiền tệ đến lạm phát và tăng trưởng qua các kênh tín dụng, lãi suất, giá tài sản tài chính và tỷ giá.
“Dựa trên cả lý thuyết và thực tiễn, chúng ta thấy rõ hơn vai trò của chính sách tiền tệ nói chung, tín dụng nói riêng đối với tăng trưởng kinh tế và lạm phát, để từ đó có những nhận định và giải pháp phù hợp hơn. Riêng đối với Việt Nam, trong ngắn hạn, tín dụng cũng có vai trò nhất định đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng ảnh hưởng của tín dụng đối với lạm phát còn lớn hơn”, vị chuyên gia nhận định.
Không thể coi nhẹ lạm phát
Trong bối cảnh nhiều bất ổn từ bên trong kết hợp với bên ngoài tác động đến nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đều khuyến nghị, năng lực điều hành, giám sát hiệu quả dòng tiền lúc này mới là quan trọng nhất. Năng lực đó phải được nhận thức đồng thời từ bộ ba: Ngân hàng – Doanh nghiệp – Nhà quản lý. Phương châm là không thắt chặt toàn diện, mở có trọng tâm, trọng điểm và đóng đúng lúc, đúng nơi, đúng liều lượng. Lạm phát và lãi suất phải chấp nhận nương theo thị trường, nhưng cần nằm trong tầm kiểm soát.
Đánh giá về vấn đề này, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright bày tỏ, lạm phát thời điểm này ở Việt Nam chưa lo ngại nhưng tương lai thì rất cần quan tâm. Theo ông, xung đột giữa Nga – Ukraine không có tác động trực tiếp nhiều đến Việt Nam vì quan hệ thương mại đầu tư và tài chính khá nhỏ, nhưng tác động gián tiếp đến giá nhiên liệu, lương thực, gãy chuỗi cung ứng là rất nghiêm trọng. Lạm phát trong nước hiện chưa cao bởi độ trễ của nhập khẩu lạm phát, tăng trưởng GDP chưa cao và nhờ là nước xuất khẩu lương thực thực phẩm trong khi giá mặt hàng này leo thang.
“Rõ ràng tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang không thấp, cho nên chính sách tiền tệ theo quan điểm của tôi là cần thận trọng, không nên bung tín dụng để tránh hệ lụy không tốt. Đặc biệt, lạm phát là một trong 3 áp lực với nền kinh tế bên cạnh nợ xấu và các yếu tố khác bao gồm dịch bệnh, chiến sự, lạm phát thế giới, xu hướng thắt chặt tiền tệ. Chúng ta phụ thuộc nhiều vào kinh tế bên ngoài nên bất kỳ sự suy thoái nào cũng ảnh hưởng đến Việt Nam”, vị chuyên gia đánh giá.
Theo PGS., TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân, thực tế không gian tiền tệ sẽ chịu tác động mạnh hơn bởi lãi suất đô la Mỹ có xu hướng tăng khiến Ngân hàng trung ương các nước, bao gồm Việt Nam có xu hướng tăng lãi suất, hoặc chí ít cũng khó có thể giảm sâu lãi suất. Khi tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng ảnh hưởng mạnh đến việc nhập khẩu lạm phát. Vì vậy, chính sách nới lỏng tiền tệ trong nước phải cẩn trọng hơn để ổn định vĩ mô, mà cần dựa chủ yếu vào chính sách tài khóa để hỗ trợ kinh tế trong nước hồi phục.
“Quy mô và công cụ hỗ trợ tiền tệ trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề như vẫn phải kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản, hướng trọng tâm dòng vốn tín dụng đến các khu vực sản xuất thực. Đặc biệt, nên tập trung cải thiện về thể chế, giảm thiểu các thủ tục để gia tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thuận lợi hơn”, PGS.,TS. Tô Trung Thành nói.