Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về cải cách quản lý nợ công

0
144

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của các chuyên gia đến từ IMF, WB đối với Bộ Tài chính. Đặc biệt, IMF và WB đã hỗ trợ Bộ Tài chính tổ chức thành công 2 hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý nợ công và các thông lệ tốt trong quản lý nợ công vừa qua.

Thứ trưởng nhấn mạnh, kinh nghiệm cũng như những nghiên cứu, đề xuất, khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế về quản lý nợ công có ý nghĩa rất lớn trong quá trình cải cách quản lý nợ công của Việt Nam.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tham khảo, nghiên cứu, xây dựng các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ quan quản lý nợ công (DMO) theo mô hình phù hợp.

Theo Thứ trưởng, tuỳ vào hệ thống chính trị của từng quốc gia sẽ có các mô hình DMO khác nhau. Mỗi mô hình DMO lại có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau nhưng quan trọng là thực hiện đầy đủ, thống nhất chức năng quản lý nợ.

Cho rằng có được cơ quan quản lý nợ công chuyên trách, độc lập tương đối như đề xuất của Đoàn hỗ trợ kỹ thuật của IMF và WB là vấn đề lớn, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nhất trí với đề xuất của Đoàn hỗ trợ kỹ thuật về việc tổ chức chương trình làm việc cụ thể trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng tới công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành cùng nhận thức được tầm quan trọng của cải cách quản lý nợ công…

“Chúng tôi nhận thức cải cách quản lý nợ công là vấn đề lớn, quan trọng nhưng phải quyết tâm cải cách cùng với cải cách chung của ngành Tài chính.” – Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại cuộc làm việc, các chuyên gia của IMF và WB đều cho rằng, từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 được ban hành, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong quản lý nợ công. Tuy nhiên, quản lý nợ công của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Các chiến lược và kế hoạch quản lý nợ hiện nay chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu an toàn nợ và chưa cung cấp đủ hướng dẫn cho quản lý nợ công nhìn từ góc độ quản lý vay và quản lý rủi ro.

Theo các chuyên gia, việc nhiều đơn vị tham gia vào quản lý nợ công làm công tác gặp nhiều thách thức. Do đó, việc xây dựng một DMO thống nhất sẽ giúp giải quyết tốt hơn các thách thức hiện hữu và thách thức đang nổi lên. Các chuyên gia đề xuất hình thành DMO trong Bộ Tài chính bởi đây là mô hình tương đối đơn giản, dễ quản lý. Hoặc DMO có thể được thành lập như một cơ quan cấp Tổng cục thuộc Bộ Tài chính dựa trên một mô hình tương tự như Kho bạc Nhà nước…

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, thiết lập 1 DMO độc lập sẽ có nhiều thách thức, vì vậy cần quyết tâm chính trị cao, xây dựng lộ trình vững chắc, định hướng triển khai một cách rõ ràng và cải thiện, nâng cao chuyên môn và kỹ thuật. Đồng thời, cần có chiến lược truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách quản lý nợ công.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcXuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải có được miễn thuế?
Bài tiếp theoNhân tố tác động đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp bán buôn trên thị trường chứng khoán Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây