Tập trung hoàn thiện thể chế các thị trường tài chính

0
133

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, lãnh đạo các đơn vị: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm và một số đơn vị liên quan.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường tài chính

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, giai đoạn 2016-2020, thị trường chứng khoán liên tục tăng trưởng rất nhanh, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, thể hiện qua việc quy mô thị trường đến năm 2020 đạt 5,3 triệu tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với đầu năm 2016 và tương đương 84% GDP.

Đến nay, mức vốn hóa thị trường đạt 6,4 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 101% GDP, tăng gần 21%, giao dịch bình quân giai đoạn 2016-2020 là khoảng 5 ngàn tỷ đồng/phiên, năm 2020 là 7.420 tỷ đồng/phiên và 5 tháng đầu năm 2021 giá trị giao dịch cổ phiếu tăng lên 21.000 tỷ đồng/phiên.  

Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính đã báo cáo về các lĩnh vực mà Vụ đang quản lý, gồm: Xổ số, vui chơi có thưởng; thị trường tài chính; Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng; ngân hàng chính sách và quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị khối thị trường tài chính báo cáo tại buổi làm việc.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị khối thị trường tài chính báo cáo tại buổi làm việc.

Tại cuộc họp, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cũng đã báo cáo về tình hình quản lý lĩnh vực bảo hiểm. Theo ông Trung, thời gian qua, Cục đã tham mưu cho lãnh đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, vững chắc cho thị trường bảo hiểm trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn đang đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Ông Tiến cũng thông tin về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và việc ban hành cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải ghi nhận, thời gian qua, những mảng công việc của 3 khối: chứng khoán, tài chính ngân hàng, quản lý bảo hiểm được các đơn vị triển khai nề nếp, bám sát chức năng nhiệm vụ, hoàn thành kịp thời những công việc đặt ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn, biến động do đại dịch.

Thứ trưởng lưu ý, trong năm 2021, các mảng này đều phải tập trung xây dựng chiến lược phát triển  10 năm trong tổng thể Chiến lược Tài chính ngân sách giai đoạn 2021-2030. Thứ trưởng cũng định hướng các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đối với từng lĩnh vực.

“Quan trọng là cả yếu tố công nghệ”

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, với thị trường chứng khoán, vấn đề quản lý nhà nước trong thời gian qua tương đối tốt, từ tham mưu hoàn thiện thể chế quản lý, giám sát hoạt động điều hành thị trường đến công tác tái cấu trúc các công ty chứng khoán, quản lý quỹ, công tác thanh tra, kiểm tra… 

Bộ trưởng đánh giá, thời gian qua, thị trường chứng khoán phát triển nhanh trên cả 3 thị trường: cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh, nhưng điều này đòi hỏi sự vươn lên trong công tác quản lý, không chỉ là trình độ năng lực của cán bộ, mà quan trọng là cả yếu tố công nghệ. “Thiết bị, công nghệ vẫn như cũ thì khó đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nêu cao tính chủ động, quyết liệt, tập trung hoàn thiện thể chế, đây là một trong ba đột phá chiến lược. Luật, các nghị định đã có, phải xây dựng các thông tư hướng dẫn một cách đầy đủ; tập trung hoàn thiện Chiến lược thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý cần nghiên cứu một số vấn đề mới lường trước sẽ đến trong tương lai không xa để xây dựng các văn bản pháp luật và quản lý tốt như: tài sản ảo, tiền ảo, trái phiếu xanh, công trái xây dựng tổ quốc…

Về vấn đề nghẽn lệnh chứng khoán, Bộ trưởng yêu cầu phải tập trung theo dõi, khắc phục sự cố, đảm bảo thông suốt, không để việc nghẽn lệnh ảnh hưởng đến thị trường. Bên cạnh đó, cần kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tăng năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán; chủ động tham mưu cho Bộ, Chính phủ liên quan đến sự phát triển nóng của thị trường chứng khoán.

Đối với Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng đề nghị Vụ cần chủ động đề xuất hoàn thiện cơ chế tín dụng của Ngân hàng Chính sách; rà soát đánh giá lại các quỹ ngoài ngân sách; nghiên cứu ngăn chặn việc lách luật phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bộ trưởng đề nghị quản lý trò chơi điện tử gắn với việc phát triển du lịch, không được để hoạt động này biến tướng. 

Đối với lĩnh vực quản lý bảo hiểm, Bộ trưởng lưu ý cần tập trung về vấn đề hoàn thiện Luật Bảo hiểm và quản lý thị trường bảo hiểm thật tốt, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý lĩnh vực này.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcGiá trị giao dịch toàn thị trường UPCoM tăng 12,73%, khối ngoại vẫn mua ròng
Bài tiếp theoNhững cổ phiếu nào được khối ngoại mua, bán nhiều nhất trên thị trường UPCoM tháng 5?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây