Tăng cường quản lý các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

0
200

Thông qua việc trao đổi về đặc điểm quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách và tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý các dự án đầu tư, bài viết nghiên cứu tình hình quản lý các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn từ năm 2016-2018 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, qua đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác quản lý các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đặc điểm quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các tiêu chí đánh giá hiệu quả

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều bước phát triển tích cực, trong đó có đóng góp rất lớn từ hoạt động đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH). Nguồn vốn NSNN chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các khu vực kinh tế phát huy hiệu quả cao.

Công tác quản lý các dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN tại các tỉnh, thành trong cả nước thời gian qua đã mang lại được những thành tựu đáng kể, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển ổn định và bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.  

Đánh giá quản lý các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn NSNN chính là đánh giá chất lượng quản lý nhà nước các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn NSNN. Về cơ bản, chất lượng quản lý nhà nước các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn NSNN được thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất, chất lượng ban hành hệ thống văn bản pháp luật quản lý nhà nước các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn NSNN thể hiện trên một số nội dung như: hợp hiến, hợp pháp, khả thi, hiệu quả.

Thứ hai, chất lượng công tác lập quy hoạch tổng thể các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn NSNN: Thông qua việc lập các quy hoạch có tầm nhìn dài hạn; tính khả thi cao; tiết kiệm nguồn lực đất đai, tài nguyên, có đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh hay không.

Thứ ba, chất lượng công tác xây dựng kế hoạch tạo vốn thông qua việc tăng thu cho NSNN để thực hiện bố trí, cân đối vốn đủ, kịp thời cho các dự án.

Thứ tư, mức độ phù hợp của quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng từ vốn NSNN đảm bảo đúng, trúng vấn đề tạo động lực để phát triển KT-XH nhanh, bền vững hoặc giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, hay liên quan đến ổn định chính trị; đảm bảo an ninh-quốc phòng.

Thứ năm, chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư: thể hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đảm bảo phù hợp với các quy định, cải cách hành chính và rút ngắn thời gian chuẩn bị; đồng thời đảm bảo chất lượng ở từng khâu.

Thứ sáu, chất lượng công tác triển khai quản lý tổ chức thực hiện dự án và giám sát đầu tư xây dựng công trình: lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán; công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư đảm bảo có mặt bằng sạch nhanh, đáp ứng lợi ích của nhà nước và nhân dân…

Thứ bảy, công tác kết thúc dự án đưa vào khai thác, sử dụng và thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình: thông qua việc đưa dự án vào khai thác sử dụng sớm theo mục tiêu của dự án đã đề ra; công tác tạm ứng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng có đảm bảo kịp thời, đúng trình tự, thủ tục quy định hay không.

Thứ tám, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đầu tư của cộng đồng liên quan đến dự án đầu tư xây dựng công trình: Công tác thanh tra của nhà nước; kiểm tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan nhà nước; Giám sát của cộng đồng dân cư có liên quan để đánh giá, dự án có được tổ chức triển khai theo đúng quy định không…

Công tác quản lý các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tại tỉnh Ninh Bình

Cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, trong những năm qua, công tác quản lý dự án đầu tư bằng từ NSNN tại tỉnh Ninh Bình đã có nhiều tiến bộ, chất lượng, hiệu quả công trình, dự án ngày được nâng cao. Việc quản lý dự án đầu tư đã tuân thủ theo các luật, các nghị định hướng dẫn của Chính phủ, các quy định của các bộ, ngành và của UBND Tỉnh về công tác đầu tư và xây dựng.

Tăng cường quản lý các dự án đầu tư  bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước - Ảnh 1

Việc bố trí vốn cho các công trình đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trong kế hoạch hàng năm trên địa bàn tỉnh cơ bản được thực hiện trên nguyên tắc và định hướng của Thường vụ Tỉnh uỷ trong quản lý đầu tư và xây dựng. Vốn đầu tư được bố trí cho các dự án cấp bách phục vụ công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an ninh, chính trị, các dự án có tác động lớn đến phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ XDCB, hạn chế các dự án khởi công mới. Trong giai đoạn 2016-2018, tổng vốn đầu tư XDCB từ nguồn vốn NSNN đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng nhưng có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2016, tổng vốn đầu tư là 4.127.2 tỷ đồng; năm 2017 giảm xuống còn 3.490,5 tỷ đồng (giảm 15,44% so với năm 2016); năm 2018 tăng lên nhẹ 3.564,8 tỷ đồng (giảm 13,63% so với năm 2016, tăng 0,028% so với năm 2017). Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do Chính phủ áp dụng chính sách giảm chi tiêu công, ổn định kinh tế vĩ mô nên phần vốn hỗ trợ của chính phủ cho các mục tiêu của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia cũng như vốn trái phiếu đều giảm.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư cho các kết cấu hạ tầng trọng điểm (bao gồm các công trình trọng điểm về giao thông, hạ tầng nông nghiệp và thủy lợi, hạ tầng đô thị, các cụm công nghiệp, cơ sở dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá…) cũng có xu hướng giảm qua các năm nghiên cứu (Bảng 1).

Trong thời gian qua, việc thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư cơ bản dựa trên các quy hoạch chung của Tỉnh. Theo đó, Ninh Bình chỉ chấp thuận đầu tư đối với các dự án quan trọng, các dự án đảm bảo an ninh, chính trị và thực sự cấp bách, không đầu tư dàn trải vượt quả khả năng cân đối vốn ngân sách dẫn đến thời gian thi công kéo dài, dự án kém hiệu quả, gây lãng phí.

Nhờ đó, nguồn vốn NSNN hơn 11 nghìn tỷ đồng đầu tư vào XDCB trong giai đoạn 2016-2018 đã giúp tạo việc làm cho lực lượng lao động chuyên nghiệp xây dựng và huy động thêm lực lượng lao động không chuyên nghiệp từ các vùng nông thôn, tạo thêm thu nhập và nâng cao mức sống cho họ. Đồng thời, cầu về các loại vật liệu xây dựng cũng gia tăng, từ đó tác động lên cung từ khâu sản xuất đến hệ thống phân phối, lưu thông cũng tăng theo.

Cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Nhờ triển khai XDCB bằng nguồn vốn ngân sách trung ương theo chương trình mục tiêu, một số công trình lớn của Trung ương trên địa bàn được xây dựng và đưa vào hoạt động như nâng cấp Quốc lộ 10, quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Ninh Bình; cầu tàu Clinke cảng Ninh Phúc…

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu được cải thiện và nâng cấp, tạo tiềm lực về lực lượng sản xuất và điều kiện hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa xã hội. Trong giai đoạn 2016-2018, kết quả của các hoạt động đầu tư đã góp phần tích cực làm thay đổi cục diện nền kinh tế tỉnh.

Các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành đang đi vào khai thác, sử dụng, trong đó, nhiều công trình lớn có vị trí quan trọng trong nền kinh tế của địa phương: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển các khu công nghiệp; cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn, các công trình giao thông, thuỷ lợi phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện đầu tư đã đảm bảo đúng quy trình đầu tư XDCB theo đúng quy định của Nhà nước. Tất cả các khâu thực hiện đầu tư đã được thắt chặt, nhằm tránh lãng phí trong đầu tư XDCB. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường; qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại của các chủ đầu tư. Việc đầu tư hoàn thành các dự án khác đã làm tăng năng lực sản xuất trên nhiều lĩnh vực, tác động tích cực vào mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.

Giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước

Từ thực tiễn công tác quản lý các dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN tại Ninh Bình, nhằm tiếp tục hoàn thiện công tác này, trong thời gian tới, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng theo hướng đồng bộ và theo kịp với thực tế. Hiện nay, cơ chế quản lý hiện có vừa cồng kềnh, vừa chồng chéo nhau, làm cho nhiều người có thẩm quyền can thiệp vào dự án nhưng không thể xác định được trách nhiệm thuộc về ai, do đó công tác quản lý kém hiệu quả.

Hai là, nâng cao chất lượng quy hoạch. Thực tế hiện nay, hầu hết các dự án được đầu tư đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và trên cơ sở quy hoạch chung, tuy nhiên có trường hợp không có quy hoạch, hoặc quy hoạch chưa hợp lý phải điều chỉnh lại, duyệt lại hoặc trong quá trình lập dự án do khảo sát không kỹ, lựa chọn địa điểm, lựa chọn công nghệ chưa thích hợp, đầu tư không đồng bộ giữa các hạng mục, chưa chú ý đến đầu tư cho vùng cung cấp nguyên liệu…

Ba là, nâng tính khả thi cho công tác thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán và tổng dự toán. Trong đó, tránh tình trạng thẩm định và phê duyệt dự án không nằm trong quy hoạch, dẫn đến tình trạng mất cân đối về các mặt của đời sống KT-XH, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đối với dự án được đầu tư.

Bốn là, nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy quản lý các dự án. Những năm gần đây, tại Ninh Bình, việc thành lập các Ban quản lý dự án được tổ chức theo 2 dạng: Chuyên trách hoặc không chuyên trách (kiêm nhiệm). Các ban quản lý chuyên trách có ưu điểm hơn ban quản lý kiêm nhiệm, về trình độ, năng lực điều hành quản lý về tiến độ thi công, quản lý vốn đầu tư, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngược lại, ban quản lý không chuyên thì gặp khó khăn nhiều trong việc sắp xếp cán bộ đúng chuyên ngành và thường kiêm nhiệm công việc, công việc không ổn định, do hạn chế về số lượng người được bố trí trong ban (3 đến 5 người).

Năm là, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Trong đó, cần làm tốt công tác xác định đền bù giá đất vì hiện nay vẫn còn tình trạng đơn giá đền bù đất đai chưa xác định theo cơ chế thị trường, chưa phân biệt giá đất đai giành cho công trình công cộng và đất đai giành cho công trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ…

Sáu là, làm tốt công tác đấu thầu trong xây dựng, tránh trường hợp mới chỉ là hợp thức hóa thủ tục. Công tác đấu thầu cần thực hiện theo đúng các quy định của Luật và Nghị định về đấu thầu xây dựng.

Bảy là, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát tạo sự gắn kết chặt chẽ nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực đầu tư; Chú trọng việc phản biện, giám sát của xã hội…            

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2013), Luật Đấu thầu, số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013;

2. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

3. Quốc hội (2014), Luật Xây dựng, số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

4. Bộ Tài chính (2011), Thông tư số 19/2011/TT-BTC hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành;

5. UBND tỉnh Ninh Bình (2013), Báo cáo tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển 5 năm 2016-2020;

6. Từ Quang Phương, Phạm Văn Hùng (2013), Giáo trình Kinh tế đầu tư, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTổng cục Hải quan gỡ vướng về chính sách thuế đối với sản phẩm từ hoạt động tái chế
Bài tiếp theoTrường hợp miễn, không phải nộp lệ phí cấp căn cước công dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây