Hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan
Cùng với quá trình phát triển của Việt Nam, công tác đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan đã hình thành, phát triển, gắn liền với quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước. Thời gian qua, hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan đã đạt được nhiều kết quả nổi bật:
Thứ nhất, về hợp tác song phương, hoạt động hợp tác song phương của Hải quan Việt Nam đã được đẩy mạnh, đi vào trọng tâm, trọng điểm và đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, nổi bật là việc hoàn thành thủ tục nội bộ và ký kết Hiệp định cấp Chính phủ với Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan (ngày 06/12/2019); hoàn thành ký kết và phê duyệt Hiệp định cấp Nhà nước giữa Việt Nam và Vương quốc Hà Lan về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan (ngày 09/04/2019); ký Biên bản hợp tác với Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh (UKBF) về hợp tác và hỗ trợ trong lĩnh vực hải quan và tiếp nhận thiết bị, các hoạt động đào tạo, hỗ trợ của UKBF trong lĩnh vực kiểm soát, xác định trọng điểm, chống buôn lậu trên biển (ngày 2/10/2019); hoàn thành đàm phán Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư trao đổi thông tin hải quan điện tử với Liên minh Kinh tế Á – Âu.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính và Chính phủ về việc ký kết và triển khai các thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương trong lĩnh vực hải quan với 16 nước đối tác. Bên cạnh đó, chủ trương và phương án đàm phán các hiệp định cấp Chính phủ với Anh, Pháp, Thái Lan, Sri Lanka, Trung Quốc và một loạt đối tác khác đã được trình Chính phủ và được Chính phủ chấp thuận. Việc tham gia các thỏa thuận, điều ước quốc tế nói trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác và trợ giúp lẫn nhau với các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý nhà nước về Hải quan.
Hoạt động hợp tác với các nước láng giềng được triển khai theo các chương trình hợp tác nghiệp vụ với các nước từ cấp trung ương đến địa phương, trong đó tập trung vào các hoạt động hợp tác tạo thuận lợi thương mại, phối hợp đấu tranh phòng chống buôn lậu vận chuyển hàng cấm qua biên giới của các Cục Hải quan dọc theo biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Các cơ chế hợp tác cấp Cục Hải quan theo cụm giữa các Cục Hải quan dọc theo biên giới đất liền với các đơn vị Hải quan nước bạn đã được hình thành và thực hiện có hiệu quả, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đảm bảo hòa bình ổn định phát triển trên các cặp cửa khẩu quan trọng giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Thứ hai, về hợp tác đa phương, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, Hải quan Việt Nam đã chủ động và tiến hành hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ các thể chế đa phương trên cả cấp độ tiểu khu vực, khu vực và thế giới như
Quá trình hợp tác đa phương của Hải quan Việt Nam dần được chuyển hóa từ việc tham gia thực thi cam kết, thực hiện nghĩa vụ thành viên sang chủ động tích cực tham gia vào việc định hình cơ chế, thể chế hợp tác và luật chơi trên các diễn đàn đa phương với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định.
Trong khuôn khổ ASEAN, hoạt động hợp tác nổi bật thực chất và hết sức thiết thực là việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để mở rộng trao đổi các dữ liệu điện tử và kết nối đến các nước thành viên trong Cơ chế một cửa ASEAN góp phần hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia. Bên cạnh đó, hợp tác ASEAN cũng được thực hiện thông qua việc triển khai hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh đi qua các nước ASEAN, trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh, thảo luận trong ASEAN về cơ chế hợp tác công nhận doanh nghiệp ưu tiên…
Trong khuôn khổ Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Hải quan Việt Nam đã có 01 cán bộ làm chuyên gia kỹ thuật tại Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại của WCO từ năm 2018 và 03 nhiệm kỳ Đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO. Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính và Chính phủ trong việc thực hiện các thủ tục để gia nhập Công ước Istanbul vào năm 2019. Hải quan Việt Nam đã thực hiện các nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong việc tham dự các Hội nghị Tổng cục trưởng của Hội đồng Hợp tác Hải quan và Hội nghị Tổng cục trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các cuộc họp nghiệp vụ trong các lĩnh vực phân loại hàng hóa, kiểm soát, Ủy ban Kỹ thuật thường trực phục vụ công tác nghiệp vụ và quản lý nhà nước về hải quan. Hải quan Việt Nam tích cực tham gia các chiến dịch về chống buôn lậu toàn cầu cũng như trong khu vực của WCO nhằm kiểm soát các luồng thương mại bất hợp pháp. Hải quan Việt Nam đã tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các chương trình xây dựng năng lực về an ninh và thuận lợi hóa thương mại của WCO tại khu vực, đăng cai một số hoạt động khu vực do Văn phòng liên lạc khu vực châu Á Thái Bình Dương (RILO A/P) chủ trì.
Trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO với những cam kết về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Việc ký kết Hiệp định góp phần tạo căn cứ pháp lý quốc tế để đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với mục tiêu đặt ra tại các Nghị quyết số 19/ NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tổng cục Hải quan đã hoàn thành nghĩa vụ thông báo minh bạch theo cam kết tại Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại WTO và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nêu tại Quyết định số 1969/QĐ-TTg ngày 13/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO, trong đó có việc rà soát năng lực thực thi cam kết cũng như chuyển đổi cam kết nhằm phản ánh đúng thực tế triển khai Hiệp định của Việt Nam. Tính đến nay, tỷ lệ thực thi cam kết theo Hiệp định của Việt Nam đã đạt gần 85%, thuộc nhóm các nước có tỷ lệ thực thi cam kết cao trong WTO.
Thứ ba, về việc tham gia đàm phán và tổ chức triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), Tổng cục Hải quan đã tham gia đàm phán các nội dung về hợp tác hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng như về quy tắc xuất xứ tại các FTA đa phương gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA ASEAN – Hồng Kông (AKFTA), FTA giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) và các FTA song phương với các nước đối tác gồm: Chile, Cuba, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Israel… Công tác đàm phán được thực hiện theo đúng tiến độ đàm phán của Chính phủ, trong đó chương về quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong các hiệp định thương mại được xem là chương có thể kết thúc sớm, là tiền đề để tạo lợi thế trong đàm phán toàn bộ hiệp định.
Về tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cam kết trong các FTA, Tổng cục Hải quan đã tổ chức thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo cam kết, bao gồm nhiều lĩnh vực, đảm bảo kiểm soát để bảo vệ lợi ích kinh tế của Việt Nam. Các kế hoạch triển khai thực hiện các FTA sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực cũng đã được ban hành kịp thời, đúng tiến độ, và cụ thể, chi tiết để đảm bảo cho quá trình thực hiện diễn ra một cách thuận lợi, hiệu quả.
Về nội luật hóa các cam kết quốc tế, Tổng cục Hải quan đã chủ động nghiên cứu đánh giá phân loại các cam kết ngay trong quá trình đàm phán và xây dựng phương án đàm phán. Quá trình đàm phán các điều ước quốc tế bao gồm cả các FTA cũng là quá trình đẩy mạnh chuyển đổi mô hình, quy trình thủ tục và điều hành quản lý của Hải quan Việt Nam. Việc nội luật hóa được triển khai từ rất sớm, từ trước khi kết thúc đàm phán thông qua quá trình nghiên cứu và thực hiện các bước để sửa đổi luật hải quan năm 2014. Phần lớn các cam kết về thuận lợi hóa thương mại trong Hiệp định TFA và các hiệp định FTA thế hệ mới đã được đưa vào Luật Hải quan năm 2014. Đây là khung pháp lý rất quan trọng bao hàm được những nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế mới, hiện đại đảm bảo cho việc chuyển đổi mô hình quản lý áp dụng những thành tựu vào cung cấp các dịch vụ công về hải quan cũng như đảm bảo hiệu lực hiệu quả quản lý hải quan.
Thứ tư, về công tác huy động, tiếp nhận tiếp nhận, quản lý và triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật, Tổng cục Hải quan đã triển khai có hiệu quả việc huy động các nguồn lực hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài cũng như việc tiếp nhận, quản lý và thực thi các dự án hỗ trợ kỹ thuật, góp phần tích cực hỗ trợ triển khai các hoạt động cải cách nghiệp vụ quản lý của Hải quan Việt Nam.
Bối cảnh mới và định hướng hợp tác, hội nhập quốc tế đến năm 2030
Từ nay đến năm 2030, sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu sẽ từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại nhưng vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, bấp bênh và khó dự báo, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sự tăng trưởng của thương mại quốc tế. Tuy nhiên, thách thức này cũng tạo động lực và cơ hội cho các cơ quan tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có cơ quan hải quan trong việc chủ động thích ứng và thúc đẩy các kênh hợp tác song phương và đa phương theo các sáng kiến mới thay thế các cách thức truyền thống, khai thác các lợi thế, sức mạnh tổng hợp của các cơ quan hải quan nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo thuận lợi thương mại hậu COVID-19.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với việc triển khai 15 FTA đã ký kết và có hiệu lực, trong đó bao gồm các FTA thế hệ mới quan trọng như CPTPP, EVFTA và RCEP. Đây là giai đoạn Việt Nam hoàn tất lộ trình thực hiện toàn bộ các cam kết của Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO, điều này đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ về thể chế cũng khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai đầy đủ, toàn diện các các cam kết liên quan đến hải quan trong các hiệp định nêu trên.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ tiếp tục tái định hình nền kinh tế toàn cầu. Khoa học công nghệ phát triển nhanh sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong việc quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu. Các cơ quan hải quan của các nước tiên tiến đều có chiến lược đầu tư nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, tiến tới thay thế hải quan điện tử bằng hải quan số nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại, đồng thời đảm bảo công tác quản lý hải quan nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, cạnh tranh kinh tế, xung đột và căng thẳng thương mại giữa các nước vẫn diễn ra phức tạp, khó lường. Kéo theo đó là nguy cơ gia tăng gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế và đặt ra những thách thức không nhỏ cho cơ quan hải quan của các nước trong công tác đấu tranh chống gian lận, chuyển tải bất hợp pháp, đòi hỏi tăng cường các hoạt động hợp tác nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Trong bối cảnh nêu trên, hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập của ngành Hải quan đòi hỏi phải ngày càng đi vào chiều sâu với những chuyển biến mới, thiết thực; gắn liền và phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển Hải quan đến năm 2030 và Kế hoạch hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2021- 2025 với mục tiêu trọng tâm là “xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh”.
Để có thể góp phần thiết thực thực hiện mục tiêu nêu trên, cần tiếp tục nâng tầm hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan đi vào chiều sâu, thực chất, toàn diện và hiệu quả, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, nâng cao hiệu quả tham gia, tăng cường đóng góp trong các cơ chế hợp tác và hội nhập hải quan đa phương trên cơ sở các định hướng chung về hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ngành Hải quan tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế trong khuôn khổ ASEAN; Nâng cao mức độ và hiệu quả tham gia trong Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), đặc biệt chủ động trong trình sửa đổi Công ước Kyoto sửa đổi, hướng tới là thành viên trong Ủy ban Chính sách của WCO, đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch WCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Tiếp tục tham gia có hiệu quả sâu rộng trên các diễn đàn hợp tác hải quan đa phương khác gồm APEC, ASEM, GMS.
Hai là, thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các nước đối tác, chú trọng các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước bạn bè truyền thống.
Hải quan Việt Nam duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hợp tác hải quan với các nước láng giềng, các nước có mối quan hệ truyền thống gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…; Thiết lập, củng cố và nâng cao hiệu quả hợp tác hải quan với các các nước đối tác phát triển có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với hoạt động kinh tế thương mại của đất nước bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan…; Từng bước mở rộng hoạt động hợp tác với các nước tại các khu vực có tiềm năng phát triển trên cơ sở nghiên cứu có chọn lọc, đảm bảo việc hợp tác đi vào chiều sâu và mang lại lợi ích thực chất cho mục tiêu quản lý hải quan của Việt Nam.
Ba là, tổ chức hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin và phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ với các đối tác nước ngoài phục vụ cho công tác quản lý hải quan.
Xây dựng và triển khai có hiệu quả quy trình phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ với các đối tác nước ngoài trên cơ sở các cam kết, thỏa thuận đã được thiết lập với các đối tác; Phát huy và khai thác tối đa vai trò của Đại diện hải quan tại WCO trong công tác thu thập, trao đổi và chia sẻ thông tin nghiệp vụ với hải quan các nước khu vực châu Âu và Cơ quan chống gian lận châu Âu (OLAF); Nghiên cứu mở rộng địa bàn hoạt động của đại diện hải quan tại nước ngoài tới một số nước đối tác/khu vực quan trọng (Mỹ, Trung Quốc, ASEAN…); Tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm soát, chống buôn lậu và gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cho cộng đồng thông qua việc đề xuất tham gia và thực hiện các công ước quốc tế trong lĩnh vực hải quan, các công ước có liên quan do các bộ, ngành chủ trì mà Hải quan Việt Nam phối hợp triển khai…
Bốn là, tổ chức thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam tham gia, đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước.
Rà soát, triển khai, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan, đặc biệt là trong các FTA và Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO; Nội luật hóa cam kết, đảm bảo tuân thủ hoàn toàn theo các lộ trình, đáp ứng nội dung và mức độ cam kết; Xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế đã được nội luật hóa.
Năm là, tranh thủ sự hợp tác, khai thác các nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm quản lý hải quan tiên tiến để đóng góp cho tiến trình cải cách, hiện đại hóa các quy trình, thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp và công tác thực thi pháp luật hải quan.
Tìm kiếm vận động các nguồn tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ nghiên cứu đề xuất ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý hải quan thông qua việc nghiên cứu mô hình quản lý hải quan hiện đại của các nước, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng, thiết kế hệ thống công nghệ thông tin, cũng như sử dụng các hệ thống soi chiếu, camera theo dõi giám sát có ứng dụng công nghệ cao (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối…) trong các hoạt động nghiệp vụ…
Sáu là, phát triển nguồn nhân lực của Hải quan Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiệu lực, hiệu quả.
Đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn về ngoại ngữ, luật pháp và thương mại quốc tế, kỹ năng đàm phán, kỹ năng lễ tân đối ngoại; Chủ động tham gia các chương trình tuyển chọn chuyên gia, các chương trình ứng tuyển cho các vị trí việc làm/thực tập sinh trong khuôn khổ ASEAN và WCO; tiến tới hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực chuyên môn, đáp ứng được các yêu cầu làm việc tại các tổ chức quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 phê duyệt Chiến lược Phát triển Hải quan đến năm 2030;
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1969/QĐ-TTg ngày 13/10/2016 phê duyệt kế hoạch chuẩn bị và thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại Tổ chức Thương mại Thế giới;
3. Chiến lược Phát triển của Hải quan Hoa Kỳ giai đoạn 2021-2026.
*ThS. Đào Đức Hải, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Thu Loan
Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan)
** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2022