Tăng cường giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường chứng khoán

0
168

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, TTCK Việt Nam đang có phát triển đáng kể nhưng cũng có những chiêu trò thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường này cũng như giải pháp nhằm giúp TTCK nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ về giải pháp trong quản lý, điều hành TTCK, TPDN trước những diễn biến như thời gian qua.

Trả lời các câu hỏi của đại biểu về nguy cơ bong bóng trong TTCK, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, những năm vừa qua, TTCK phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021.

Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, TTCK phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian…

Bộ Tài chính cũng đang có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN; điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, TPDN cho thị trường.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về thị trường TPDN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, hiện nay không có chủ trương siết chặt hay hạn chế TPDN. Bởi TPDN là một kênh huy động vốn rất hiệu quả cùng với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc huy động này phải đúng pháp luật, phải minh bạch và không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích, đưa tiền này vào bất động sản hay các mục đích khác mà không đóng góp cho nền kinh tế. Hiện nay, quy mô TPDN của nước ta khoảng 15% GDP, tức là đang ở trong khoảng cho phép. So với các nước trong khu vực, TPDN của Việt Nam cũng huy động đang ở mức thấp nhất và đang có dư địa để thực hiện.

Về chấn chỉnh hành vi vi phạm trên TTCK, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, Bộ đang tích cực theo dõi, giám sát và tăng cường thanh tra. Đối với những dấu hiệu bất thường, những vi phạm sẽ xử lý nghiêm như việc thao túng và đưa ra những thông tin sai lệch trên TTCK, nghiêm cấm những thông tin giả mạo ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý những trường hợp tung tin đồn hoặc đưa những thông tin sai lệch để ảnh hưởng đến các lợi ích của các nhà đầu tư khác và làm đảo lộn trật tự kinh tế trên lĩnh vực chứng khoán.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp phát triển TTCK, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với ngân hàng nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra. Đồng thời, Bộ cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán Bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ.

Đồng thời, Bộ cũng rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán…

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcCơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025
Bài tiếp theoVietcombank Nha Trang kỷ niệm 15 năm thành lập và tổ chức hội nghị khách hàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây