Trong khoảng một năm trở lại đây, hàng loạt doanh nghiệp đã tham gia “sân chơi” thanh toán di động. Tính đến nay, Việt Nam có 36 tổ chức được cấp phép cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian – ví điện tử. Khảo sát của Q&Me công bố cuối năm 2020 cho thấy, 88% thị phần ví điện tử tại Việt Nam thuộc về 4 cái tên: Momo, ViettelPay, AirPay và ZaloPay.
“Miếng bánh” béo bở
Theo các chuyên gia, từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang các nền tảng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu thiết yếu và phòng chống dịch. Đồng thời, thanh toán kỹ thuật số đang được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử.
Tại Việt Nam, lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh. Theo báo cáo thống kê, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất 1 ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất 1 lần/tuần.
Thị trường ví điện tử tại Việt Nam tuy tăng trưởng “nóng” nhưng được đánh giá là vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Một báo cáo được công bố tháng trước về Fintech và ngân hàng số 2025, do nền tảng ngân hàng kỹ thuật số Backbase và Công ty nghiên cứu thị trường IDC phối hợp thực hiện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận định, giao dịch qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 400% vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của kinh tế số.
ShopeePay ghi nhận bên cạnh sự gia tăng trong việc sử dụng ứng dụng ví điện tử, số lượng cửa hàng là đối tác tại Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán qua ví ShopeePay cũng đã tăng gấp 2 lần trong năm 2020, bao gồm những đối tác như 7-Eleven, MyKingdom và Guardian.
Theo Visa, trong bối cảnh dịch Covid-19, người tiêu dùng Việt Nam đang dần ưu tiên lựa chọn sử dụng ví điện tử cũng như thanh toán bằng mã QR. 57% người tiêu dùng có tới 3 ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch.
“Theo dự đoán, sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ trong việc sử dụng thẻ không tiếp xúc, thanh toán qua điện thoại di động và thanh toán bằng mã QR cho các giao dịch trực tiếp tại các cửa hàng trong thời gian tới”, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Do có nhiều tiềm năng và phù hợp với xu hướng tiêu dùng tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nên số lượng các doanh nghiệp tham gia thị trường ví điện tử ngày một tăng nhanh. Ngày 15/6, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã chính thức ra mắt ví điện tử MobiFone Pay. Như vậy, gia nhập “cuộc chơi” ví điện tử, MobiFone sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ rất mạnh trên thị trường.
Liệu với lợi thế về nền tảng công nghệ và tập khách hàng lên tới hàng chục triệu thuê bao, nhà mạng này sẽ giành được bao nhiêu trong “miếng bánh” thị phần ví điện tử?
Trước MobiFone, cả Viettel và VNPT đều đã cung cấp dịch vụ ví điện tử. Trong đó, Viettel Pay công bố vượt 9 triệu người dùng hồi tháng 2/2020, còn VNPT cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, hiện đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán VNPT Pay, dòng tiền giao dịch trong năm 2019 cao gấp 60 lần so với năm trước đó. Hơn thế, với khoảng 40 triệu khách hàng đang sử dụng các dịch vụ của VNPT, ví điện tử VNPT Pay được 100% người dùng VinaPhone tin tưởng chọn lựa.
Hiện tại, số lượng dịch vụ cung cấp bên ngoài của MobiFone Pay không lớn. Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh, nhà mạng này cam kết sẽ liên tục tích hợp tính năng, kết nối các nhà cung cấp để mở rộng dịch vụ. Một lợi thế của MobiFone khi triển khai ví điện tử là đã có sẵn một tập khách hàng lớn, chất lượng cao. Cùng với đó, MobiFone Pay đã liên kết với 38 ngân hàng.
Theo tìm hiểu, một số doanh nghiệp đã và đang làm đề án gửi Ngân hàng Nhà nước để gia nhập thị trường ví điện tử. Do vậy, nhiều khả năng số ví trên thị trường sẽ còn tiếp tục tăng và cuộc cạnh tranh trên “mảnh đất” đang được xem là “màu mỡ” này dự báo sẽ còn khốc liệt hơn.
Tuy nhiên, giám đốc một ví điện tử cho biết, mặc dù lĩnh vực này đang phát triển và cạnh tranh khốc liệt, nhưng đến thời điểm hiện tại, chiến lược cạnh tranh bằng cách tăng khuyến mại để lấy thị phần không còn là yếu tố then chốt. Theo đó, doanh nghiệp nào có hệ sinh thái tốt sẽ chiếm lĩnh thị phần, trong khi các ví còn lại không có hệ sinh thái sẽ phải cạnh tranh bằng mọi phương diện.
“Chắc chắn tới đây, những ví điện tử có hệ sinh thái tốt như Vingroup (VinID), Viettel (Viettel Pay), VNPT (VNPT Pay), MobiFone (MobiFone Pay)… có lượng khách hàng đủ lớn sẽ tồn tại và phát triển, còn lại số đông các ví không có lợi thế này có thể sẽ chỉ là… gạch lót đường. Khi đó, xu hướng mua bán – sáp nhập các ví điện tử sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn”, vị giám đốc này nhìn nhận.