Tôi tin rằng, các hành động và thông điệp của cơ quan quản lý sẽ phần nào ngăn chặn tình trạng đầu cơ, giảm tính chộp giật, đầu cơ của của thị trường. Đơn cử, với cảnh báo của Chính phủ về việc tăng vốn khống, vốn ảo, doanh nghiệp sẽ tập trung phải tăng năng lực, phát triển bền vững hơn, tín dụng ngân hàng cho vay sẽ bớt “lộn xộn” và quan trọng hơn là sẽ đảm bảo tạo ra giá trị, niềm tin cho cổ đông, nhà đầu tư.
Công khai, minh bạch là 2 yếu tố quan trọng và tiên quyết để thị trường chứng khoán có thể phát triển ổn định, cũng như xa hơn là hướng đến nâng hạng thành công.
Ngoài ra, tôi cho rằng sự ổn định của thị trường còn có thể đến từ việc phát triển theo chiều ngang. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu nhiều sản phẩm tài chính. Nhà đầu tư hiện tại chủ yếu thu lợi nhuận từ chiều cổ phiếu tăng, chúng ta cũng có thị trường phái sinh với 4 hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số VN30, nhưng không phải ai cũng “trading” tốt trên thị trường phái sinh.
Chúng ta có khoảng 1.700 cổ phiếu trên thị trường, nhưng giá trị vốn hóa chỉ là 222 tỷ USD, trong khi thị trường Thái Lan có ít cổ phiếu hơn nhưng vốn hóa lên đến 555 tỷ USD. Họ cũng phát triển nhiều công cụ “hedging” có thể “giữ” tiền nhà đầu tư kể cả khi thị trường chung giảm.