Thời gian cấp sổ đỏ, sổ hồng là bao lâu?
Theo quy định tại Khoản 40 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ, sổ hồng) lần đầu không quá 30 ngày.
Thời gian cấp sổ đỏ, sổ hồng được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định (theo quy định tại Khoản 40 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).
Riêng các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian cấp sổ đỏ, sổ hồng không quá 40 ngày.
Từ những quy định trên, nếu đất không có vi phạm pháp luật, không cần trưng cầu giám định mà thời gian cấp sổ đỏ, sổ hồng quá lâu là vi phạm pháp luật.
Nếu sổ đỏ, sổ hồng bị cấp chậm người dân nên làm gì?
Trước tiên, người dân nên hỏi, đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lời về kết quả giải quyết về việc chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng. Đồng thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản, theo quy định tại Khoản 8 Điều 19 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP. Cụ thể:
“Các hồ sơ quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này sau khi thẩm định không đủ điều kiện giải quyết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không giải quyết hồ sơ theo mẫu Phiếu từ chối giải quyết hồ sơ để gửi cho tổ chức, cá nhân thông qua bộ phận một cửa.
Thông báo được nhập vào mục trả kết quả của hệ thống thông tin một cửa điện tử. Thời hạn thông báo phải trong thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định”.
Thứ hai, người dân có quyền khiếu nại về việc chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng. Hình thức khiếu nại bằng đơn, hoặc tới trực tiếp cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc cấp sổ đỏ, sổ hồng muộn.
Thứ ba, khởi kiện ra tòa án nhân dân.