Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện một số hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn của thị trường này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trong việc thực hiện dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu; dịch vụ xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu; dịch vụ đăng ký, lưu ký và chuyển nhượng trái phiếu.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán phải tuân thủ nghiêm quy định về chế độ báo cáo tại Thông tư số 122/2020/TT-BTC và các chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra về việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 1/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 10059/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ trưởng giao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính cùng các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.
Cùng với đó là tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.