Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
NHNN cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện thi hành Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bên cạnh những hiệu quả đạt được, Nghị định 88 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế trong công tác thực thi như một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đòi hỏi phải rà soát để bổ sung, cập nhật, sửa đổi các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính còn thấp, chưa mang tính răn đe,..
Từ những lý do nêu trên, NHNN cho rằng, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là cần thiết nhằm góp phần tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật tiền tệ và ngân hàng nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, đồng thời bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tiễn.
Trong đó, đáng chú ý, Dự thảo Nghị định bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính về thanh toán. Cụ thể, phạt tiền từ 250 đến 300 triệu đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt không qua tài khoản thanh toán của khách hàng khi chưa được NHNN chấp thuận bằng văn bản.
Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc sử dụng dịch vụ thanh toán.
Hành vi thuê, mượn, tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán có thể bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng.
Đối hành vi thuê, mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên có thể bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.
Phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; hoặc lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 150 đến 200 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác hoặc vi phạm quy định về hạn mức giao dịch qua ví điện tử có thể bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng.
Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi không quy định hạn mức thấu chi hoặc hạn mức tín dụng, thời hạn cấp tín dụng, thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, phương thức trả nợ, lãi suất đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được thấu chi tại hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về phát hành và sử dụng thẻ.
Phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi như thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện việc sử dụng thẻ trả trước vô danh trên môi trường Internet, chương trình ứng dụng trên thiết bị di động hoặc rút tiền mặt; hoặc lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng nâng mức xử phạt đối với hành vi “Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ 1 thẻ đến dưới 10 thẻ” (mức xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng) và hành vi “Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ với số lượng từ 10 thẻ trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (mức xử phạt từ 50 đến 100 triệu đồng) lên mức xử phạt từ 100 đến 150 triệu đồng nhằm tăng tính răn đe, hạn chế vi phạm xảy ra.