Giá đất một chiều đi lên, hết đất rẻ cho nhà đầu tư
Nhiều ngày sau khi xuất hiện thông tin đồ án quy hoạch sông Hồng, tưởng như tình trạng sốt đất hai bên bờ sông đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên tại nhiều khu vực như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên… mặc dù không khí sôi động của việc xem đất, mời chào bán đất không còn, giá đất cũng không tăng theo giờ, theo ngày như thời gian trước nhưng việc tiếp cận đất giá rẻ vẫn rất khó.
Theo khảo sát của phóng viên, tại khu vực Thạch Cầu (Long Biên, Hà Nội), những mảnh đất nằm ở mặt ngõ rộng 4m đã tăng giá lên 40 – 55 triệu đồng/m2, trong khi khoảng 1 năm trước chỉ dao động 25 – 35 triệu đồng/m2. Còn những mảnh đất nằm ở ngõ xe máy chạy cũng đã có mức giá từ 30 – 40 triệu đồng/m2.
Đơn cử, mảnh đất với diện tích 60m2 tại khu vực Thạch Cầu, nằm ở mặt ngõ ô tô chạy qua đang được chào bán với mức giá 52 triệu đồng/m2 và trước khi phê duyệt đồ án Quy hoạch sông Hồng mức giá chỉ khoảng 40 triệu đồng/m2. Theo người bán, nếu người mua có thiện chí thì bên bán sẽ chịu hết chi phí thủ tục sang tên đất, còn mức giá đất thì không giảm.
Trong vai nhà đầu tư, PV gặp anh Hải – môi giới bất động sản tại Long Biên cho biết, cuối năm 2020, những mảnh đất nằm ở mặt ngõ 3m tại Cự Khối chỉ có giá khoảng 20 triệu đồng/m2. Đến khi có thông tin tháng 6/2021 sẽ phê duyệt đồ án Quy hoạch sông Hồng thì tăng lên 30 – 35 triệu đồng, còn giờ giá đã tăng lên 45 – 50 triệu đồng/m2.
Theo người môi giới đất tại khu vực Long Biên, khoảng 2 tuần trở lại đây đất đã tăng từ 10 – 15 giá. Nhiều người mua từ đầu năm 2022 đến nay cũng đã có lãi, một số đã chốt lời thành công.
“Ở mặt phố giá đã lên hơn 120 triệu đồng/m2, những mảnh đất nằm ở ngõ 5m đang được giao dịch giá 70 triệu đồng/m2. Tầm tài chính 4 – 5 tỷ đồng chỉ có thể mua được ở mặt ngõ thôi. Bây giờ mua có khi tuần sau đã có lãi luôn rồi vì người hỏi mua đang rất nhiều. Nếu hiện tại, nhà đầu tư muốn tìm mua đất giá rẻ cũng rất khó vì trước đó nhiều người đã mua gom trước, người dân thì đang đợi giá tăng nên họ không bán. Khi mua đất qua môi giới hay sang tay từ F1, F2 thì chắc chắn sẽ không có giá rẻ”, anh Hải khẳng định.
Anh Minh, người dân tại ngõ Thống Nhất, phường Thống Nhất, quận Long Biên, chia sẻ, từ khi có thông tin quy hoạch sông Hồng, cứ mấy ngày lại có người qua khu vực này hỏi mua đất. “Gia đình tôi có mảnh đất để không, rộng 50m2 ở mặt ngõ 3m, cuối năm vừa rồi được định giá là 35 triệu đồng/m2. Dạo gần đây, nhiều người vào hỏi mua, trả tôi 45 triệu đồng/m2 nhưng tôi không có nhu cầu bán, nên cứ để đấy đã”, anh Minh nói.
Ngoài điểm nóng Long Biên, đất khu vực Đông Anh cũng đang có mức giá tăng nóng. Một số khu vực như Võng La, Hải Bối, Xuân Canh mức giá rao bán cũng đang ở ngưỡng 40 – 55 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20 – 30% so với cơn sốt năm 2021.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, Văn phòng Môi giới nhà đất Long Biên cho biết, đầu năm 2021 cơn sốt đất đã đẩy mức giá những khu vực liên quan đến quy hoạch sông Hồng tăng từ 30 – 40%, lần này tiếp tục tăng thêm 20 – 30%.
“Những người về đây hỏi mua đất đều ở trung tâm Hà Nội. Họ không có nhu cầu ở thực mà chỉ mua đầu tư thôi. Giá đất những khu vực đó tăng nhanh, bây giờ mua ở đấy là đã muộn. Đất ở khu ven sông Hồng bây giờ cũng toàn của nhà đầu tư còn đất của người dân để không cũng hiếm lắm. Tôi có mấy mảnh đất gần khu vực Vinhomes Cổ Loa, tiềm năng tăng giá ổn định”, người môi giới này nói.
Khi được hỏi về giá đất nền tại Đông Anh, anh Tuấn Anh cho biết, giá đất thổ cư nằm ở mặt ngõ rộng khoảng 2,5m dao động từ 30 – 40 triệu đồng/m2. Những mảnh đất nằm ở mặt đường rộng khoảng 4m, ô tô có thể di chuyển vào được dao động từ 55 – 65 triệu đồng/m2. Đặc biệt, những mảnh đất nằm ở đường lớn, mức giá đã dao động từ 100 – 130 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Có thể thấy, mức giá đất tại đây hiện đang ngang ngửa với những vị trí đẹp tại trung tâm Hà Nội.
“Nhiều khách mua trước đó chỉ đi xem chứ không quyết định mua vì sợ đang trong các cơn sốt, giá đất bị thồi phồng với thực tế. Tuy nhiên, một thời gian sau họ nhờ tôi tìm kiếm và giới thiệu những mảnh đất giá thấp hơn, rẻ hơn nhưng tôi đều từ chối vì không còn tìm được nguồn hàng như vậy”, anh Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu, tại Gia Lâm, những khu vực như xã Kim Lan, xã Văn Đức… đã trải qua nhiều đợt sốt đất liên tiếp. Thời điểm hiện tại, giá đất theo một số “cò” đất rao bán cũng đang ở mức 40 – 50 triệu đồng/m2 đối với đất nằm ở ngõ 2 – 3m. Mức giá này đã tăng từ 20 – 25% so với đầu năm.
Mỏ vàng nhưng có thể là con dao hai lưỡi
Trên thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng đã chứng kiến rất nhiều mô hình đô thị ven sông, sau khi quy hoạch xây dựng mang lại động lực phát triển mạnh cho thị trường bất động sản như: Đô thị ven sông Hàn (TP. Seoul, Hàn Quốc), đô thị ven sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc) hay đô thị ven sông Singapore (Singapore)…
Riêng đối với đồ án quy hoạch ven sông Hồng vẫn đang tiếp tục chờ quy hoạch chi tiết và xây dựng hạ tầng giao thông, kỹ thuật khác nên bất động sản vẫn chưa thể sinh lời nhanh. Do vậy đầu tư “lướt sóng”, xuống tiền theo thông tin quy hoạch hay cơn sốt sẽ gặp nhiều rủi ro.
Ông Hoàng, người dân tại xã Kim Lan cho biết: “Sau khi có thông tin quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hồng, thường xuyên có người về tìm mua đất. Nhưng theo tôi thấy, giá đất chỉ khoảng 25 – 30 triệu đồng/m2 thôi, giá 40 – 50 triệu đồng/m2 thì người dân ở đây làm gì mua được cao vậy”.
Theo anh Trần Phú Lâm, Công ty Cổ phần Nhà đầu tư Gia Lâm cho hay, trong nhiều năm qua, mỗi lần có thông tin mới về quy hoạch đô thị ven sông Hồng, giá đất tại các khu vực liên quan lại tăng đột biến.
“Đúng là khi được quy hoạch bài bản, giá đất ven sông Hồng chắc chắn sẽ tăng theo hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, nhiều khu vực đường xá vẫn không thay đổi nhưng giá lại tăng một cách vô lý. Các thông tin quy hoạch vẫn chỉ đang nằm trên bàn chờ để triển khai vì cần có lộ trình và thời gian dài. Theo tôi, đây chỉ là chiêu trò của “cò” đất và đầu cơ nhằm trục lợi”, anh Lâm nói.
Anh Lâm cũng chia sẻ thêm, không ít nhà đầu tư đầu tư đất ven sông Hồng đã bẻ lái, chuyển sang hướng xây nhà để bán. Đơn cử như một khách hàng của anh có đầu tư một mảnh đất 75m2 ở huyện Long Biên. Mảnh đất nằm ở mặt đường rộng 5m, có giá 35 triệu đồng/m2. Mặc dù, khách hàng đã nhờ anh tư vấn và rao bán từ cuối năm 2021 mà đến nay vẫn chưa thể bán được.
“Tôi cũng đã hỗ trợ khách hàng tìm chủ mới nhưng dắt hết đợt khách này đến đợt khách khác đến xem đất mà chưa chốt được. Mới đây, chủ mảnh đất cho hay thay vì bán đất, họ dự định cuối năm nay sẽ đầu tư để xây nhà trên mảnh đất ấy rồi bán. Như vậy sẽ sớm hoàn vốn và sinh lời”, anh Lâm kể.
Nhận định về diễn biến thị trường tại các khu vực ven sông Hồng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cảnh báo, dưới góc độ thị trường, việc tăng giá đất sẽ phải tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư. Nếu quy hoạch mới là chủ trương, là bản vẽ thì mức tăng 3 – 5% là hợp lý. Việc giá đất tăng quá cao và nhanh sẽ là “con dao 2 lưỡi” cản trở sự phát triển ở những khu vực này. Bởi khi đó, chi phí đầu tư phát triển hạ tầng sẽ tăng lên khiến nhiều người phải cân nhắc khi mua đất để xây dựng công trình.