Đánh giá tác động của chính sách đến thu ngân sách năm 2022
Tại Công văn số 1912/TCT-DT, Tổng cục Thuế yêu cầu khi đánh giá thu ngân sách năm 2022, các Cục Thuế phải rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của từng chính sách đến từng khoản thu, sắc thuế. Trong đó, ngoài việc đánh giá tác động trực tiếp làm tăng/giảm thu NSNN thì phải đánh giá hiệu quả gián tiếp mang lại cho tăng trưởng kinh tế và các sắc thuế khác.
Cụ thể, cơ quan Thuế tập trung đánh giá hiệu quả của các chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; chính sách hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Trong đó, tập trung đánh giá vào các chính sách ban hành trong năm 2021 nhưng tiếp tục ảnh hưởng đến thu NSNN năm 2022 như: Thực hiện Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường; Thực hiện Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020 và năm 2021; Thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất…
Cục Thuế các địa phương cũng cần tổng hợp đầy đủ số thuế TNDN quý I, quý II/2021 của DN có năm tài chính khác năm dương lịch được gia hạn nộp trong năm 2022; lưu ý đánh giá tác động đến thu năm 2022 (nếu có) đối với các trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh tại Khoản 4 Điều 5 Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tính toán việc giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2021 đối với trường hợp DN có doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019. Việc giảm thuế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp làm giảm số thu thuế TNDN năm 2022 đối với phần thuế TNDN tạm nộp quý IV và bổ sung sau quyết toán thuế TNDN năm 2021 nộp vào NSNN năm 2022…
Bên cạnh đó, cơ quan Thuế các địa phương cũng cần đánh giá các chính sách mới ban hành, có hiệu lực trong năm 2022 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số thu phí, lệ phí trong năm 2022. Cụ thể như: Thực hiện Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 (quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022); Thông tư số 127/2021/TT-BTC ngày 31/12/2021…
Các Cục Thuế cũng cần chủ động đánh giá ảnh hưởng giảm thu NSNN năm 2022 theo phương án sau: giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.
Về công tác quản lý thu, cục Thuế các địa phương ước thực hiện thu năm 2022, tính toán đầy đủ các yếu tố tăng thu từ việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát việc kê khai nộp thuế, hoàn thuế; rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế TNDN; thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, đôn đốc thu kịp thời các khoản tăng thu NSNN theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN phát triển sản xuất kinh doanh; việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc;…
Ngoài ra, khi đánh giá ước thu NSNN năm 2022, Cục Thuế tính toán số giảm thu NSNN do việc hoàn trả các khoản thu (ngoài thuế GTGT) không có trong dự toán chi NSNN.
Những lưu ý khi xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023
Đối với các nguồn thu từ năng lực sản xuất mới, thuế nhà thầu và các dự án hết thời gian miễn, giảm thuế TNDN, thu từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử,… Cục Thuế dự kiến đầy đủ các nguồn thu ngân sách từ thuế nhà thầu đối với dự án đầu tư mới triển khai trên địa bàn và dự kiến nguồn thu mới phát sinh cho các dự án hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh bắt đầu từ năm 2023…
Về các khoản thu liên quan đến nhà, đất và thu khác ngân sách, các cục Thuế cần bám sát kế hoạch giao quyền sử đất, đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP… để xác định số thu từ nhà, đất, thu khác ngân sách sát, đúng với khả năng phát sinh nguồn thu trên địa bàn.
Đối với khoản thu cổ tức và lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại DN, các Cục Thuế rà soát, dự kiến đầu đủ khoản thu cổ tức và lợi nhuận được chia theo từng DN theo quy định tại Thông tư số 85/2021/TT-BTC.
Tổng cục Thuế cũng đề nghị cục Thuế các địa phương dự kiến giảm số thu NSNN năm 2023 do việc hoàn trà các khoản nộp thừa theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.