Hiện nay, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Tháp đầu tư 53 dự án, có 686 hộ nông dân vay vốn, tổng số tiền 31 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách tỉnh đầu tư là 20 tỷ đồng; vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác 9,6 tỷ đồng; phần còn lại là vốn phát triển bổ sung từ nguồn phí quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân kết dư hàng năm. Ngoài ra, Hội nông dân các cấp còn tuyên truyền, vận động hội viên ủng hộ hoặc cho mượn tiền để xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân của địa phương.
Tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện và xã trên 16,7 tỷ đồng, đã cho hàng ngàn hộ nông dân vay để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Hội nông dân các địa phương triển khai việc cho vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân lồng ghép với hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất. Điển hình là một số dự án như: nuôi dê sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường (xã Hòa An, TP.Cao Lãnh); trồng xoài theo hướng VietGAP (xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh); sản xuất lúa theo hướng an toàn (xã Tân Bình, huyện Thanh Bình)…
Được vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình ông Tạ Văn Bông (SN 1947) ngụ ấp Tân Hội, xã Tân Bình đầu tư vào sản xuất lúa (hơn 3,5ha) theo hướng an toàn. Ông Bông cho biết: “Tôi dùng vốn vay mua vật tư nông nghiệp, trả tiền công làm đất… Cùng với đó, Hội nông dân xã còn tạo điều kiện cho tôi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa theo hướng an toàn. Nhờ chăm sóc tốt nên ruộng của tôi có năng suất và chất lượng lúa khá cao.
Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ, tôi lời trung bình 1,8 triệu đồng/công (1.300m2)”. Còn anh Trần Thanh Long (SN 1988) cùng ở ấp Tân Hội cũng rất vui vì Quỹ hỗ trợ nông dân “tiếp sức” cho anh 50 triệu đồng để đầu tư trồng lúa theo hướng an toàn.
“Đất ruộng của gia đình tôi có 1ha. Nhờ tiền vay của Quỹ hỗ trợ nông dân, tôi thuê thêm 2ha nữa và mua vật tư nông nghiệp. Nếu không, chắc tôi phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao hơn” – anh Long chia sẻ.
Đó là 2 trong số 12 nông dân của xã Tân Bình vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân trong Dự án trồng lúa theo hướng an toàn, tổng cộng 600 triệu đồng. Đồng chí Phạm Quốc Việt – Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Bình thông tin: “Các nông dân vay vốn là thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Bình; đã liên kết tiêu thụ lúa với công ty. Thời gian qua, nông dân sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả số tiền vay của Quỹ hỗ trợ nông dân. Nguồn quỹ này mang lại hiệu quả thiết thực, rất nhiều nông dân có nhu cầu vay nhưng nguồn vốn còn hạn chế”.
Hội nông dân tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện nhiều giải pháp, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ (cuối năm 2023), tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tăng lên 50 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn Điều lệ Hội trong công tác thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ nông dân. Việc thẩm định, xác minh thực hiện nghiêm túc nhằm cho vay đúng đối tượng với phương án sản xuất khả thi; hạn chế đến mức thấp nhất nợ xấu, nợ quá hạn.
Theo đồng chí Hồ Ngọc Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội nông dân tỉnh Đồng Tháp, Quỹ hỗ trợ nông dân mang lại nhiều hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Cụ thể, giúp nhiều hội viên nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, tập trung các ngành hàng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và ngành hàng có thế mạnh của từng địa phương.
Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Các nông dân tham gia dự án vay vốn có sự gắn kết chặt chẽ hơn, bà con cùng chia sẻ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất…
Quỹ hỗ trợ nông dân còn góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội nông dân các cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả, thu hút nhiều nông dân tham gia vào tổ chức Hội.