Bảo mật có tốt, dòng chảy mới thông suốt
Công nghệ phát triển mang đến sự thuận tiện và lợi ích cho cả khách hàng và ngân hàng, nhưng đồng thời cũng là môi trường cho các đối tượng lừa đảo thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Hàng loạt thủ đoạn có thể kể đến như SMS, email, website, tin nhắn mạo danh… để lừa khách hàng bấm vào link và cung cấp thông tin bảo mật và dịch vụ. Rất nhiều ngân hàng đưa ra cảnh báo về tình trạng mất an toàn thông tin trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ các ngân hàng, đây chỉ là một trong số vô vàn tình huống phải đối mặt khi công nghệ phát triển hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, muốn dòng chảy thông qua ngân hàng được thông suốt, thì hệ thống quản trị rủi ro phải đủ tốt.
Trên thực tế, các ngân hàng Việt, dù quy mô lớn hay nhỏ, trong thời gian qua đã rất nỗ lực đầu tư để bắt kịp với các xu hướng công nghệ bảo mật trên thế giới, nhằm áp dụng cho thị trường Việt Nam, mang lại lợi ích cho khách hàng và chính mình.
Điển hình như Vietbank – Ngân hàng đang tập trung đầu tư và tiên phong trong nhiều sản phẩm công nghệ mới. Cuối tháng 1 vừa qua, Vietbank là một trong 7 ngân hàng tiên phong cùng NAPAS ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa. Vào tháng 10 năm ngoái, ngân hàng cũng đã ra mắt thẻ trả trước nội địa có tính năng thanh toán không tiếp xúc trong giao thông công cộng, áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa của Ngân hàng nhà nước. Đây là tiêu chuẩn bắt buộc đối với các tổ chức phát hành thẻ phải chuyển đổi để thay thế cho các loại thẻ từ bảo mật kém hơn trước đây.
Một trong những tiêu chuẩn quốc tế Vietbank đang sử dụng để phát triển hệ thống thẻ là công nghệ bảo mật thông tin chủ thẻ mạnh nhất hiện nay PCI/DSS, bắt buộc các tổ chức tuân thủ phải vượt qua 12 tiêu chuẩn bảo mật khắt khe về hệ thống thẻ cùng với hạ tầng công nghệ thông tin. Hàng tháng, tổ chức tuân thủ PCI/DSS còn liên tục kiểm tra, cập nhật các phiên bản bảo mật mới nhất, cũng như phải thực hiện các thủ tục tái cấp hàng năm.
Ngoài công nghệ bảo mật cao, việc chủ động phát hiện những dấu hiệu lạ trong giao dịch để phát hiện từ sớm những giao dịch gian lận, nghi ngờ gian lận cũng là một ưu tiên quan trọng. Theo đó, ngân hàng có công cụ kiểm soát để nhận biết các giao dịch bất thường. “Ngay khi nhận được cảnh báo, Vietbank sẽ liên hệ với khách hàng để xác thực về các giao dịch nghi ngờ. Nếu khách hàng không thực hiện giao dịch, Vietbank sẽ khóa thẻ ngay lập tức và liên hệ với đơn vị chấp nhận thẻ để yêu cầu hủy giao dịch”, đại diện Vietbank kể về quy trình xử lý.
Sau một năm bắt đầu đẩy mạnh mảng thẻ, ngân hàng bắt đầu thu “trái ngọt” khi thu hút hơn 10.000 khách hàng thẻ, một con số đáng kể đối với ngân hàng trẻ, có định hướng đầu tư vào những nền tảng ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới, đi cùng các ưu tiên về bảo mật.
Theo đại diện Vietbank, các hoạt động đầu tư vào công nghệ bảo mật này sẽ giúp cho các hoạt động ngân hàng được thông suốt hơn trong bối cảnh cuộc đua số hóa trên thị trường ngày càng nóng hơn. “Trong cuộc chạy đua chuyển đổi số của các ngân hàng, dù theo đuổi mục tiêu nào, vấn đề cốt lõi buộc phải tuân thủ chính là bảo đảm an toàn, an ninh cho hoạt động ngân hàng số”, lãnh đạo Vietbank nhìn nhận.
Phòng thủ rủi ro: bộ đệm được xây từ gốc
Một cơ sở để Vietbank phát triển được mảng thẻ là nhờ xây dựng hệ thống quản trị rủi ro từ gốc. Trên thực tế, hoạt động quản trị rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng và các định chế tài chính đã và đang được chú trọng trong những năm gần đây, theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn của hiệp ước Basel II.
Ở trường hợp Vietbank, ngay từ đầu năm 2019, ngân hàng đã chủ động triển khai hệ thống tính toán tài sản có rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II. Đến tháng 11/2019, Vietbank chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng Basel II trước thời hạn vào tháng 11/2019.
“Việc tuân thủ Basel II giúp nâng cao năng lực quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, đồng nghĩa với việc Vietbank đáp ứng các quy định khắt khe về quản trị và công nghệ. VietBank luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững”, lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Dấu ấn chuyển mình đến từ việc đầu tư vào hệ thống phần mềm lõi (Core banking) vào năm 2019 của Finastra, đối tác đã triển khai thành công cho nhiều ngân hàng lớn trên thế giới và tại Việt Nam. “Có thể nói, đây là một trong những dự án Core được đầu tư ngân sách lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam”.
Dự án này mang lại sự thay đổi mang tính chiến lược và toàn diện đối với Vietbank. Theo đó, tất cả nền tảng công nghệ, các mảng nghiệp vụ khác được đưa vào, tạo thành một hệ thống lớn, giúp bộ máy quản trị, điều hành nội bộ của Ngân hàng được tốt hơn, đầy đủ hơn. Theo lãnh đạo Vietbank, lợi thế của một ngân hàng đi sau là có thể tận dụng các công nghệ mới nhất và học hỏi từ các đơn vị đi trước để có thể xác định đúng hướng đi, đúng sản phẩm dịch vụ cần cung cấp phù hợp cho khách hàng nhất.
Bên cạnh việc hoàn thành xây dựng nền tảng quan trọng cho hoạt động quản trị rủi ro, Vietbank kết thúc năm 2020 với quy mô tổng tài sản đạt 91.680 tỉ đồng, tăng 33% so với năm trước đó và gấp 2,5 lần so với năm 2016. Việc thiết lập nền tảng cơ sở về quản trị rủi ro trong giai đoạn vừa qua, sẽ là cơ sở quan trọng để ngân hàng tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tới, khi mang lại lợi ích cho khách hàng nhờ tính bảo mật và hữu ích của sản phẩm.