Phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội

0
145

Hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong ổn định kinh tế vĩ mô

Sự phối hợp của chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô ở mọi nền kinh tế. Trong đó, CSTT thường được điều hành nhằm đạt được mục tiêu lạm phát thấp, ổn định nền kinh tế trước các cú sốc về sản lượng và giá cả. CSTK thường hướng đến mục tiêu việc làm và tăng trưởng cao.

Mặc dù, mỗi chính sách được điều hành theo định hướng khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu và bối cảnh kinh tế của từng quốc gia trong từng thời kỳ, các nghiên cứu lý luận và thực tiễn đều cho thấy sự thay đổi của chính sách này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách kia (Aurbach, 2004; Alesina vàTabelini, 1990). Để các mục tiêu kinh tế vĩ mô đạt tối ưu (gồm tăng trưởng và ổn định giá cả), hai chính sách này cần được phối hợp và bổ sung cho nhau (Barker và các cộng sự, 2008).

Đối với trường hợp của Việt Nam, để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) sau đại dịch, Chính phủ đã kiên trì thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển KT-XH” trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, CSTK, CSTT và các chính sách khác cần phải phối hợp chặt chẽ để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Trong đó, CSTK đã được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt và chặt chẽ; tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân ứng phó và phục hồi trong bối cảnh COVID-19; đồng thời, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN), tiết giảm tối đa chi thường xuyên, ưu tiên chi NSNN cho công tác phòng chống dịch. CSTT tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn vay.

Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam

Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN, các tổ chức kinh tế và người dân; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đảm bảo GDP bình quân đạt 6,5 – 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, để phục hồi và phát triển KT-XH, trong năm 2022, CSTK và CSTT đã được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt và phối hợp các chính sách khác để hỗ trợ người dân và DN, hỗ trợ dòng tiền, tiết giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), duy trì ổn định vĩ mô; đồng thời đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.

Chính sách tài khóa

CSTK được điều hành theo hướng chủ động, mở rộng hợp lý, hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; giữ ổn định kinh tế Việt Nam, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Về chính sách thu, nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu NSNN khác đã được thực hiện để giúp DN, hộ cá nhân kinh doanh giảm chi phí, có thêm nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% được điều chỉnh giảm xuống còn 8% từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022, trừ một số hàng hóa, dịch vụ ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… và các hàng hóa chịu thuế tiêu thụ (TTĐB). Chính sách giảm thuế GTGT được thực hiện từ thời điểm đầu năm đã góp phần giảm giá các mặt hàng, hỗ trợ kiềm chế lạm phát trong năm 2022.

Phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh 1

Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được tiếp tục thực hiện với việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022. Để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trên, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐCP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và áp dụng từ ngày 01/02/2022 đến hết năm 2022.

Năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định số 44/2021/ NĐ-CP ngày 31/3/2021, hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID- 19. Theo đó, DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, tiền thuê đất, thuê mặt nước của các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã được điều chỉnh giảm 30% trong năm 2022. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, người dân và khôi phục SXKD, các chính sách giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí đã được ban hành năm 2021 tiếp tục được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022; đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo điều kiện cho DN, người dân nhanh chóng tiếp cận với chính sách hỗ trợ cũng như sớm triển khai các giải pháp này vào thực tế.

Các chính sách giảm phí, lệ phí đã ban hành cuối năm 2021 có hiệu lực thi hành trong năm 2022 tiếp tục được triển khai thực hiện, gồm: (i) Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; (ii) Điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022; đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao trong thời gian gần đây tác động không nhỏ đến hoạt động của DN và đời sống của người dân, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi và phát triển KT-XH, Bộ Tài chính đã 3 lần trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 và giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống 10%.

Cụ thể: (i) Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/20022 giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; (ii) Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật thuế BVMT số 57/2010/QH12 từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022; (iii) Nghị định số 51/2022/NĐCP ngày 08/8/2022 điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống 10% nhằm đa dạng hóa nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường trong nước. Các giải pháp trên đã góp phần giảm giá nhiều mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng này.

Về chính sách chi NSNN, để ứng phó với đại dịch, chính sách chi NSNN đã được điều hành theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Cùng với đó, NSNN đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội; chi đầu tư từ NSNN được đẩy mạnh.

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các chính sách hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất…; về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dân lập, tư thục; về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Theo đó, thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 – 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua; hỗ trợ lãi suất tối đa 3 nghìn tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm; hướng dẫn cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội (Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/ Qh15); phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để ban hành khung hướng dẫn hỗ trợ tín dụng cho các DN (Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh); và thực hiện tín dụng cho học sinh, sinh viên mua máy tính (Quyết định số 09/2022/ QĐ-TTg ngày 04/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, có hiệu lực thi hành từ ngày 04/4/2022).

Chính sách chi được điều hành theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung, ưu tiên nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH với 347 nghìn tỷ đồng, trong đó 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho DN, đảm bảo ổn định đời sống xã hội của người dân. Theo đó, thực hiện cắt giảm những chương trình, dự án không giải ngân được, bố trí cho chương trình dự án khác nhanh chóng phát huy hiệu quả; đồng thời, tăng chi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế; đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; 6.600 tỷ đồng đầu tư cho các đường cao tốc…

Nhìn chung, các văn bản hướng dẫn chính sách về miễn, giảm, gia hạn thu NSNN và các chính sách tín dụng qua NHCSXH đã được ban hành đầy đủ; đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Việc giải ngân các chính sách hỗ trợ cơ bản đạt kết quả tốt, một số chính sách gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được xử lý kịp thời để tạo thuận lợi trong triển khai, bảo đảm sớm đến được với đối tượng thụ hưởng.

Chính sách tiền tệ

CSTT được điều hành linh hoạt góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

CSTT được thực hiện bám sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ DN, người dân phù hợp và bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tăng trưởng tín dụng của các TCTD được định hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; Tạo điều kiện tiếp cận vốn cho DN, người dân, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất đối với DN và người dân; tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm phí đối với DN và người dân, đồng thời thực hiện nghiêm và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lãi suất, phí cho vay.

Chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất được thực hiện theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN; đồng thời, theo dõi, giám sát các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đảm bảo lộ trình trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách tín dụng được thực hiện từ năm 2021 tiếp tục được duy trì trong năm 2022 như: hỗ trợ gián tiếp cho DN, người sử dụng lao động, người lao động thông qua chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2020 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/ QĐ-TTg ngày 07/7/2021.

Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng đã được thực hiện đồng bộ, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.

Hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ

CSTK và CSTT đã được điều hành chủ động, linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau cũng như với các chính sách khác, qua đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phục hồi và phát triển KT-XH.

CSTK đã phối hợp chặt chẽ với CSTT và các chính sách khác theo hướng chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân và khôi phục SXKD, tái khởi động nền kinh tế. Việc thực hiện CSTK chủ động, linh hoạt và chặt chẽ cùng với chủ trương cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 đã góp phần củng cố khả năng chống chịu của NSNN, của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu kép là vừa tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển KT-XH. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đến nay đạt kết quả tốt giúp DN phục hồi, phát triển. Ước tính các chính sách đã ban hành giảm, giãn thuế, phí các DN và người dân trong năm 2022 là 231 nghìn tỷ đồng. Lũy kếtổng sốtiền thuế, phí, lệphíđược miễn, giảm, gia hạn đến hết tháng 7/2022 khoảng 89,2 nghìn tỷđồng. Các giải pháp hỗ trợ được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng DN đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động SXKD, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Cân đối ngân sách cơ bản được đảm bảo, góp phần đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, thu NSNN 8 tháng năm 2022 đạt khoảng 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán, tăng so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DN, người dân ổn định, phát triển kinh tế. Chi NSNN trong 8 tháng năm 2022 đạt khoảng 956,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán năm, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021; ưu tiên tăng chi đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng cũng như nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế; cấp bù lãi suất cho NHCSXH hỗ trợ vay ưu đãi tín dụng; đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…; đồng thời, tăng cường và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực cho phát triển kinh tế.

CSTT đã được điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. CSTT được điều hành theo hướng ổn định các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn vẫn được duy trì ở mức từ 7-10,5%/năm; cho vay trung và dài hạn ở mức từ 10-11%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Tín dụng toàn nền kinh tế đạt mức tăng 9,91% trong 8 tháng đầu năm 2022.

Đối với các nhiệm vụ tín dụng chính sách tại Chương trình phục hồi theo Nghị quyết số 43/2022/ QH15, đến ngày 13/7/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 9.048 tỷ đồng. Đối với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, sau 2,5 năm triển khai, chính sách này đã góp phần tích cực hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với giá trị nợ được cơ cấu lũy kế là gần 710.000 tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nay đạt trên 50.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, sự phối hợp hiệu quả CSTK và CSTT đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2022 đạt 6,42%; lạm phát được kiểm soát (với chỉ số CPI ở mức 2,58% trong 8 tháng); xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các chính sách ASXH, được quan tâm thực hiện tốt; hoạt động SXKD khởi sắc. Kết quả tích cực từ phát triển KT-XH, tài chính – NSNN đã góp phần gia tăng dư địa chính sách tài khóa tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Theo đó, mặc dù có 30 quốc gia bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia. Tổ chức S&P đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định” và là một trong hai nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Điều này tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, giúp Chính phủ mở thêm các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển, phục vụ hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Thách thức và khuyến nghị

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc phối hợp hiệu quả CSTK và CSTT để phục hồi và phát triển KTXH trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát thế giới gây sức ép cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước, tạo ra nhiều khó khăn cho việc triển khai gói phục hồi theo kế hoạch đã đề ra của Chính phủ.

Về CSTK, một số khoản thu NSNN đạt thấp, dư địa tăng thu NSNN ngày càng hạn chế trong khi áp lực chi NSNN tăng do phải thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển SXKD, vừa phải đảm bảo nguồn lực để trả các khoản nợ đến hạn… Khi nguồn thu NSNN chịu nhiều tác động kém thuận lợi, trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi NSNN cho các hoạt động thường xuyên, cho đầu tư phát triển, việc thực hiện các CSTK hỗ trợ người dân, DN cũng tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN.

Về CSTT, chính sách ưu đãi lãi suất vẫn chưa thực sự hỗ trợ được nhiều DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có thể phục hồi do hầu hết các DN trong ngành có quy mô nhỏ và vừa, không có tài sản thế chấp nên gặp rất nhiều khó khăn tiếp cận tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất huy động được dự báo tiếp tục tăng trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang ngày càng bị thu hẹp và nhu cầu tín dụng tăng cao. Lãi suất cho vay đang chịu áp lực tăng từ chi phí vốn đầu vào tăng và từ tăng trưởng tín dụng ở mức cao do nhu cầu vay từ khách hàng tăng mạnh. Ngoài ra, những khó khăn về thủ tục cho vay cũng là trở ngại trong triển khai gói hỗ trợ cho vay lãi suất 0% dành cho DN để trả lương cho người lao động mất việc vì COVID-19.

Mặt khác, việc mở rộng quá nhiều quy mô tín dụng và các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi (cả về vốn và lãi suất) nếu không được nhận diện đầy đủ, kịp thời thì không chỉ khó khăn cho điều hành CSTT trong việc cung ứng tiền từ NHNN mà còn tạo áp lực không nhỏ đến việc cân đối nguồn vốn cũng như chiến lược nâng cao năng lực tài chính của các TCTD, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong trung – dài hạn. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (thực chất đã biến các khoản cho vay ngắn hạn thành trung dài hạn cũng như tạm thời không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng), cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng trong trung hạn.

Để tăng cường hiệu quả phối hợp CSTK và CSTT nhằm phục hồi và phát triển KTXH, thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:

– Điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả CSTK, CSTT và các chính sách vĩ mô khác để tác động vào cả tổng cung, tổng cầu của nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ CSTT với CSTK, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ; chỉ tăng bội chi NSNN để tăng chi đầu tư phát triển và bảo đảm cân đối NSNN khi thực hiện giải pháp miễn, giảm thuế để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (Nghị quyết số 43/2022/QH15).

– Tập trung các giải pháp tài khóa, tiền tệ nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các chính sách miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và nhiều khoản thu NSNN, tạo thanh khoản, giảm bớt khó khăn về dòng tiền cho DN tập trung vào SXKD. Đồng thời, tạo nền tảng để phát triển bền vững trong thời gian tới thông qua các chính sách về kích cầu đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào hệ thống hạ tầng quan trọng.

– Tăng cường quản lý thu, nhất là thu hoạt động thương mại điện tử, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế; tăng cường thực hiện tài chính số; nghiên cứu, đềxuất sửa đổi, bổsung các luật thuếvà các quy định liên quan đểmởrộng cơ sởthu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tếphi chính thức…

– Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN; quản lý chi NSNN hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch; các chính sách an sinh xã hội; các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội… và tăng cường cơ sở hạ tầng y tế để phòng chống dịch.

– Chủ động rà soát để các cơ chế chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, gắn với trách nhiệm sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ; qua đó, nâng cao hiệu quả các gói hỗ trợ, hiệu quả phối hợp CSTK và CSTT.

– Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/ TT-NHNN, trong đó với các ngân hàng chưa ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ cần khẩn trương ban hành văn bản để các đơn vị trực thuộc có cơ sở thực hiện; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

– Khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, DN và nền kinh tế; Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2022), Nghị quyết số 43/2022/QD15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH;

2. Chính phủ (2022), Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/ QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình;

3. Tổng cục Thống kê (2022), “Báo cáo tình hình KT-XH quý II và 6 tháng đầu năm 2022”;

4. Alesina và Guido (1990), “A Positive Theory of Fiscal Deficits và Government Debt”, Review of Economic Studies, Vol. 57;

5. Aurbach (2004), “Budget Windows, Sunsets and Fiscal Control”, Manuscript, University of California, Berkley;

6. Barker, Buckle và Clair (2008), “Roles of Fiscal Policy in New Zealand”, New Zealand Treasury Working Paper 08/02;

7. Hasan và Isgut (2009), “Effective coordination of monetary and fiscal policies: conceptual Issues and Experiences of selected Asia-Pacific countries”, UN Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, July 2009.

Thông tin tác giả:

* TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính)

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2022

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcCục Thuế Đắk Nông triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” trên địa bàn tỉnh
Bài tiếp theoGia tăng tiện ích, phục vụ tốt hơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây