“Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tận dụng địa thế kinh tế của phía Đông, phát triển nhiều đại đô thị hoàn thiện, kết nối với nhau, đã thu hút lượng lớn người dân về ở, tạo ra sự phát triển đồng bộ cho khu vực phía Đông” – GS TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường nhận xét.
Tọa độ mới của bất động sản thủ đô
Thực tế, những năm gần đây chú trọng phát triển đa cực, TP Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng kết nối, trục kết nối 2 bờ sông Hồng và các đường “xương cá”.
Trong năm 2022, hơn 1.900 tỷ đồng được giải ngân cho cho hơn 50 dự án thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng, hạ tầng giao thông. Trong đó, một số những dự án được ưu tiên bố trí nguồn vốn như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Dự kiến, đến quý II/2023, công trình sẽ hoàn thành hợp long các nhịp chính và có thể khai thác, sử dụng trong quý III/2023.
Tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000ha, cũng định hướng sẽ có thêm 6 cây cầu mới bắc qua sông Hồng, nối 2 bờ thành phố là các cầu Hồng Hà, Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Mễ Sở.
Mạng lưới hạ tầng đường bộ được định hướng sớm hoàn thiện của các tuyến giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 5A, nút giao Cổ Linh. Cùng với đó, đường đô thị song hành với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài tới 40 km cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, các địa phương vùng ven, lân cận như Hưng Yên cũng dành hàng ngàn tỷ đồng cho hạ tầng giao thông.
Các lợi thế hội tụ đưa bờ Đông sông Hồng vươn mình thành cực tăng trưởng mới của Thủ đô. Minh chứng là nhiều ông lớn bất động sản đã và đang phát triển những đại đô thị lớn, tiện tích đồng bộ tại khu vực này như Ecopark, Vincom Village, BerRiver Jardin, Vinhomes Ocean Park 1, Ocean Park 2, Ocean Park 3.
Dòng tiền đầu tư chuyển về phía Đông
Quỹ đất rộng, hạ tầng kết nối được đẩy mạnh đầu tư, sức hút mạnh mẽ của khu Đông được hiện thực hóa khi dòng tiền chuyển dịch về khu vực này ngày càng lớn.
TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế phân tích trong tương quan kinh tế, tương lai phát triển của phía Đông với hệ thống các tuyến đường cao tốc kết nối Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tam giác kinh tế phía Bắc mới chính thức thành hiện thực và phát huy tốt nhất thế mạnh của nó. Trong đó, phía Đông Hà Nội chính là cửa ngõ của Thủ đô, kết nối vô cùng thuận tiện với mạng lưới giao thông để phát triển kinh tế.
Ông Ánh nhận định, đây là khu vực sẽ hội tụ kinh tế, với sự góp mặt đầy đủ của dân cư các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, từ Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Trong khi đó, trên cương vị đơn vị gắn bó mật thiết với thị trường địa ốc khu Đông, ông Hoàng Đình Khiêm – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Vietstarland nhận định khu vực hội tụ một số dự án thực sự tốt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có định hướng xây dựng phù hợp, dịch vụ tiện ích hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Sam Sung, LG…; nhiều trường học quốc tế cũng đã hiện diện tại đây, góp phần thu hút nhu cầu nhà ở, đầu tư bất động sản.
Theo ông Khiêm, không chỉ những người dân với khả năng kinh tế trung bình đang tìm kiếm nhà ở có giá cả phù hợp, gần trung tâm đã tính tới việc đầu tư sang khu vực phía Đông Hà Nội; nhiều người giàu, người nước ngoài cũng chọn nơi này an cư để thuận lợi cho con cái theo học các trường chất lượng cao.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng cho rằng sự cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng và sự hình thành của các đại đô thị hiện đại, trong tương lai, diện mạo đô thị khu vực phía Đông sẽ khang trang, đẹp hơn hẳn khu vực nội đô hiện nay. Từ đó, gia tăng sức hấp dẫn dịch chuyển của người dân khu vực trung tâm sang khu vực này, cũng như thu hút thêm nguồn cầu từ các tỉnh lân cận Hà Nội.
Hiện các “đại bàng” như Samsung, LG, Google, Apple đang dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam. Trong khi các thủ phủ công nghiệp gần Hà Nội như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng đều đang rơi vào tình trạng khan hiếm nhà ở cao cấp, khu Đông Hà Nội chính là nơi đáp ứng được nguồn cầu về nhà ở cao cấp, tiện ích đồng bộ của tầng lớp chuyên gia nước ngoài.