Theo đó, công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp năm 2021 của ngành Hải quan tập trung vào các nội dung: Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan đối với doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19;
Tổ chức các hoạt động đối thoại, tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan để lắng nghe, giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; Cập nhật thông tin về quy định chính sách pháp luật mới đến doanh nghiệp theo cách thức để thông tin có thể đến với doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời, ngắn gọn, đúng địa chỉ;
Tăng cường công tác giám sát thực thi pháp luật hải quan để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật giữa cơ quan hảỉ quan, doanh nghiệp và các bên liên quan.
Các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc sẽ tập trung triển khai các hoạt động: Thông tin; Hỗ trợ doanh nghiệp; Tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan; Hợp tác Hải quan – Doanh nghiệp; Giám sát thực thi pháp luật.
Trong hoạt động thông tin, cơ quan hải quan các cấp tổ chức cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp, về: tình hình xuất nhập khẩu theo thị trường, theo ngành hàng; biến động của thị trường xuất nhập khẩu do tác động của dịch Covid-19; các cam kết quốc tế về thương mại và các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp của cơ quan hải quan thực hiện trong năm 2021.
Trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các nội dung triển khai gồm: Tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan trong và sau dịch covid-19; Xây dựng các phương án dự phòng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó diễn biên phức tạp của dịch Covỉd-19; Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Các đơn vị trong ngành Hải quan cũng sẽ thực hiện hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan với 02 nội dung:
– Các quy định chính sách pháp luật thuế và hải quan mới; Các chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; Các giải pháp tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp.
– Các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; Đóng góp ý kiến các doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện văn bản, chính sách pháp luật.
Trong hoạt động hợp tác Hải quan – Doanh nghiệp, các nội dung triển khai bao gồm:
– Tăng cường và mở rộng hợp tác với khối doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp theo ngành nghề trọng điểm, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa;
– Chú trọng hợp tác với khối doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, các hãng tàu, đại lý hải quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về hải quan, đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan; trao đổi thông tin, đánh giá phân loại tuân thủ doanh nghiệp;
– Đổi mới cách thức hợp tác, chú trọng xây dựng hợp tác dựa trên thế mạnh, năng lực, nhu cầu hợp tác của đối tác đưa quan hệ hợp tác hải quan – doanh nghiệp đi vào chiều sâu;
– Tăng cường hợp tác trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ công, nâng cao năng lực thực thi pháp luật.
Hoạt động giám sát thực thi pháp luật sẽ tập trung vào nội dung: Hiện đại hóa kênh giám sát thực thi pháp luật hải quan trên cơ sở ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin; Mở rộng các kênh giám sát, công cụ, tiện ích để người dân và doanh nghiệp có thêm lựa chọn tham gia giám sát thực thi pháp luật hải quan; Lựa chọn một số dịch vụ công trong lĩnh vực hải quan để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Ban Cải cách hiện đại hóa là đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trong ngành Hải quan triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác và thực hiện kế hoạch trên cơ sở thực tiễn triển khai, nhu cầu trợ giúp của các đơn vị; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai hoạt động phát triển quan hệ đối tác tại các đơn vị; tổ chức thực hiện các nội dung theo phân công tại kế hoạch.