Phát triển ngân hàng số tại Đông Nam Á và bài học cho Việt Nam

0
174

Những vấn đề chung về ngân hàng số

Khái niệm về ngân hàng số

Có nhiều quan điểm khác nhau về ngân hàng số trên cơ sở được hiểu là mô hình ngân hàng dựa trên nền tảng số hoá tích hợp tất cả các hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Theo Chris (2014), ngân hàng số là mô hình hoạt động của ngân hàng mà trong đó, các hoạt động chủ yếu dựa vào các nền tảng và dữ liệu điện tử và công nghệ số, là giá trị cốt lõi của hoạt động ngân hàng.Theo Sharma (2017), ngân hàng số là một hình thức ngân hàng số hoá tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Ngân hàng số là một khái niệm rộng hơn nhiều so với khái niệm ngân hàng điện tử, là giai đoạn phát triển cao hơn của ngân hàng điện tử, hoạt động của ngân hàng điện tử là một phần của ngân hàng số.

Ngân hàng số là đòi hỏi cao về công nghệ bao gồm sự đổi mới trong dịch vụ tài chính cho khách hàng xung quanh các chiến lược về ứng dụng kỹ thuật số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thanh toán, RegTech, dữ liệu lớn, blockchain, API, kênh phân phối và công nghệ (American Banker, 2018).

Vai trò của ngân hàng số đối với các chủ thể trong nền kinh tế

Đối với hệ thống ngân hàng:

Công nghệ số giúp ngân hàng có thể tiếp cận cơ sở khách hàng lớn hơn bao gồm các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khách hàng có thu nhập thấp mà hiện tại khó tiếp cận với các ngân hàng truyền thống.

Đối với khách hàng:

Ngân hàng số mang lại cho khách hàng những giá trị mới, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tiện lợi, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng và hiệu quả.

Đối với nền kinh tế:

Ngân hàng số phổ cập phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế từ chính phủ đến người dân, giữa cá nhân với cá nhân để phát triển kinh doanh; Dịch vụ nhanh chóng, chi phí thấp, và thuận tiện cho khách hàng, đặc biệt là nhận dạng qua chứng minh nhân dân/căn cước công dân, công nghệ định danh khách hàng (KYC online).

Theo World Bank (2017), ứng dụng ngân hàng số có vai trò tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính hiệu quả hơn và là công cụ thúc đẩy tài chính toàn diện.

Phát triển ngân hàng số tại một số ngân hàng trong khu vực

Ngân hàng DBS Singapore

DBS là một tập đoàn tài chính hàng đầu châu Á với sự hiện diện tại 18 thị trường, có trụ sở chính tại Singapore. Xuất phát điểm của DBS là một ngân hàng địa phương ở Singapore, bị rất nhiều lời phàn nàn từ chính khách hàng của mình nhưng với việc chuyển đổi ngân hàng số từ năm 2014, DBS đã có những bước tiến mạnh mẽ, chắc chắn và đã đạt nhiều kết quả xuất sắc với nhiều giải thưởng trong đó có giải thưởng “Ngân hàng số tốt nhất thế giới năm 2018” do Euromoney bình chọn.

Theo quan điểm của DBS, ngân hàng số phải là ngân hàng số từ khâu tiếp xúc khách hàng đến khâu hỗ trợ phía sau. Ngân hàng số phải tự động hoá được các quy trình và dịch vụ, giảm thiểu tác nghiệp của con người.

Ngân hàng DBS đã đầu tư nguồn lực tài chính và nhân sự rất lớn cho sự phát triển ngân hàng số, xây dựng bộ phận ngân hàng số giống mô hình các công ty công nghệ tài chính (fintech), với 25 cán bộ nghiệp vụ và 180 cán bộ kỹ thuật. Bộ phận này có nhiệm vụ xây dựng trải nghiệp khách hàng một cách đơn giản, trong suốt và đầy đủ. Đây cũng là công cụ để đạt mục tiêu chuyển từ tập trung vào sản phẩm sang lấy khách hàng làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho khách hàng về dịch vụ ngân hàng.

Điểm nổi bật về ngân hàng số của DBS là triển khai ngân hàng số đầu tiên ở Ấn Độ chỉ với kênh Mobile Banking với đặc trưng là quy trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng không cần giấy tờ, không cần chữ ký và không cần chi nhánh, hỗ trợ khách hàng bằng trí thông minh nhân tạo.

Ngân hàng Krung Thai Bank – Thái Lan

Krung Thai Bank là hai trong số các ngân hàng ở Thái Lan đang từng bước ứng dụng công nghệ để số hóa ngân hàng.

Krung Thai Bank thực hiện chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng số trong thời gian 3 năm từ 2015 đến 2017. Với các hệ thống như: hệ thống quản lý tích hợp đa kênh, hệ thống quản lý thẻ, hệ thống Internet Banking, hệ thống Mobile Banking và hệ thống giao dịch tại chi nhánh. Lộ trình chuyển đổi được thực hiện như sau: Năm 2015 –  ngân hàng trang bị giải pháp quản lý tích hợp đa kênh (Omni-Channel) và một giải pháp quản lý thẻ độc lập. Hệ thống quản lý thẻ được tích hợp với hệ thống OmniChannel; Năm 2016, ngân hàng tích hợp hệ thống Internet banking và Mobile banking vào hệ thống Omni-channel; Năm 2017, ngân hàng đã tích hợp hệ thống giao dịch tại chi nhánh (Branch teller) vào hệ thống Omni-channel (Vũ Hồng Thanh,2016)

Tiềm năng phát triển ngân hàng số ở Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho phát triển ngân hàng số. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến cuối năm 2020, dân số Việt Nam là 97,58 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm gần 70%.

Đồng thời, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2020, toàn thị trường có 280.006 POS và 19.525 ATM (tăng 3% so với cùng kỳ năm trước); Số lượng giao dịch qua POS đạt 287 triệu giao dịch với giá trị đạt 494,16 nghìn tỷ đồng (tăng 16,75% về số lượng và 0,64% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch qua ATM đạt 841,16 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 3 triệu tỷ đồng (tăng 2,56% về số lượng và 0,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Trên thị trường hiện nay có khoảng 90.000 điểm chấp thuận thanh toán QR code. Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ đã được đưa vào vận hành từ tháng 7/2020.

Thanh toán qua điện thoại di động và Internet phát triển mạnh. Tính đến cuối tháng 10/2020, đã có 77 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động; Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,4 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt gần 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Theo khảo sát của EY Việt Nam về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam cho thấy, 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 28% ngân hàng đã và đang thực hiện triển khai Chiến lược Chuyển đổi Số tích hợp với Chiến lược Kinh doanh; 11% ngân hàng đã phê duyệt và đang triển khai Chiến lược Chuyển đổi số riêng. 47-77% ngân hàng đã triển khai thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử, chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến. 41,2% ngân hàng kỳ vọng triển khai đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số. Ngoài ra các ngân hàng còn tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ. Cụ thể, 73% ngân hàng quy trình hoạt động liên tục; 47,6% hệ thống quản lý quan hệ khách hàng; 42,8% chữ ký điện tử, chữ ký số nội bộ.

Mặc dù, việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam bước đầu khá khả quan thuận được nhiều ngân hàng thương mại đón nhận và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi hoàn toàn các ngân hàng thương mại truyền thống sang ngân hàng số, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm phát triển ngân hàng số từ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bài học cho các ngân hàng Việt Nam

Qua nghiên cứu quá trình chuyển đổi ngân hàng số của DBS Singapore và Krung Thai Bank, có thể rút ra một số kinh nghiệm để phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

Thứ nhất, lấy khách hàng làm trung tâm. Nếu như trước đây các ngân hàng truyền thống thường chú trọng đến các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp thì giờ đây theo kinh nghiệm của DBS Singapore để có thể chuyển đổi sang ngân hàng số thành công cần phải lấy khách hàng làm trọng tâm. DBS đã đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến và đã tạo ra được hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian và công sức cho khách hàng cũng như nhân viên của mình như tiết kiệm hàng triệu giờ chăm sóc khách hàng, hàng triệu giờ năng suất nội bộ cho nhân viên, cũng nhờ đó đã đưa DBS từ đứng cuối bảng xết hạng về trải nghiệm khách hàng tại Singapore lên đứng đầu vào năm 2009.

Thứ hai, thay đổi mô hình theo hướng tích hợp nhiều kênh và hợp tác với các công ty công nghệ tài chính. Theo kinh nghiệm của các ngân hàng trong khu vực Đông Nam Á như DBS Singapore và Krung Thai Bank, một trong những thành công khi chuyển đổi sang ngân hàng số là sự chuyển đổi số các kênh của hệ thống ngân hàng truyền thống, hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) nhằm tận dụng được mô hình kinh doanh tinh gọn, hướng tới trải nghiệm khách hàng về sự đổi mới, sáng tạo đem lại lợi ích thiết thực là giảm chi phí, tăng tiện ích, thuận lợi cho khách hàng đặc biệt là các khách hàng địa bàn vùng sâu, vùng xa, nông thôn.

Thứ ba, để có thể phát triển ngân hàng số thành công, các ngân hàng thương mại cần chủ động về ngân sách cũng như nguồn lực thích đáng cho việc đầu tư phát triển ngân hàng số. Theo kinh nghiệm về phát triển ngân hàng số của DBS Singapore thì để phát triển thành công ngân hàng số, ngân hàng này đã dành 200 triệu USD từ ngân sách để đầu tư.

Cuối cùng, để có thể thành công trong công cuộc chuyển đổi và phát triển mô hình ngân hàng số, cần phải có một đội ngũ nhân viên với trình độ công nghệ cao, có khả năng vận hành hệ thống số một cách tốt nhất, đảm bảo tính bảo mật thông tin.

Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số ngân hàng triển khai thực hiện mô hình ngân hàng số và cũng đã nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Tuy nhiên, phát triển ngân hàng số là một quá trình, không thể triển khai ngay một lần ở quy mô rộng mà cần phải phát triển theo lộ trình để có thời gian quan sát, theo dõi sự thích ứng của khách hàng nhằm có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, đặc biệt cần có sự nghiên cứu kinh nghiệm từ các ngân hàng đã xây dựng thành công ngân hàng số trong khu vực và trên thế giới.

Tận dụng lợi thế từ xu hướng ngân hàng số, nhiều ngân hàng Việt không kể quy mô lớn hay nhỏ đang từng bước nghiên cứu, đưa ra các dịch vụ hiện đại, tiện ích trong cuộc đua nâng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng và chiếm lĩnh thị phần.

Tuy nhiên, để phát triển ngân hàng số, cần tiếp  tục hoàn thiện hành lang pháp lý khuyến khích phát triển ngân hàng số. Theo đó, cơ quan quản lý tập trung hoàn thiện quy định nhà nước về an ninh, an toàn, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật thông tin, tăng cường kiểm tra giám sát công tác thanh toán thẻ, đẩy mạnh truyền thông về bảo mật, cảnh giác và cẩn trọng ở khách hàng.         

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Nhà nước, (2020), Đẩy mạnh hoạt động thanh toán và phát triển công nghệ, dịch vụ ngân hàng hiện đại;

2. Vũ Hồng Thanh (2016), Ngân hàng số – Hướng phát triển mới cho các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng;

3. Kỷ yếu hội thảo quốc tế về ngân hàng và tài chính lần thứ nhất (2019), Hệ thống ngân hàng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NXB Lao động-xã hội;

4. American Banker (2018), Digital banking.

(*) Huỳnh Thu Hiền – Trường Đại học Tài chính – Kế toán

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2021

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải làm thủ tục gì?
Bài tiếp theoXu hướng ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý tòa nhà thương mại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây