Hiệu quả tích cực từ sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập
Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 31/12/2021, Bộ có 30 ĐVSNCL gồm: 10 ĐVSNCL trực thuộc Bộ (4 ĐVSNCL phục vụ quản lý nhà nước quy định tại Nghị định số 87/2017/NĐ-CP, 6 ĐVSNCL khác), 12 ĐVSNCL thuộc Tổng cục, 4 ĐVSNCL thuộc Cục thuộc Bộ, 4 ĐVSNCL thuộc Cục thuộc Tổng cục.
Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tăng cường tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL, đảm bảo chi thường xuyên, góp phần tự chủ hoạt động, sắp xếp lại bộ máy, cán bộ.
Nhờ đó, số lượng các ĐVSNCL thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã giảm từ 36 đơn vị (năm 2015) xuống còn 26 đơn vị (chưa tính 04 ban quản lý dự án chuyên ngành) so với hiện nay (tương đương giảm 28% số lượng ĐVSN) do đã tổ chức lại, giải thể.
Cụ thể, đã sáp nhập, giải thể để giảm 2 ĐVSN thuộc Bộ; giải thể 7 ĐVSN thuộc Cục; giải thể 1 ĐVSN thuộc Tổng cục; giải thể 1 ĐVSN thuộc Cục thuộc Tổng cục; thành lập 1 ĐVSN thuộc Cục thuộc Tổng cục.
Ngoài ra, hiện nay, Bộ Tài chính có 4 Ban Quản lý dự án chuyên ngành của các Tổng cục (là đơn vị sự nghiệp) được thành lập theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ (nay là Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ).
Nhìn chung, trong giai đoạn 2015 – 2021, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của ĐVSNCL thuộc Bộ.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành theo thẩm quyền các văn bản liên quan đến thực hiện tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL trực thuộc, góp phần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy, khuyến khích và hỗ trợ các đơn vị đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nâng cao mức độ tự chủ, giảm dần tỷ trọng chi NSNN cho các ĐVSNCL để cơ cấu lại NSNN, cải cách tiền lương.
Như vậy, trong giai đoạn 2015-2021, Bộ Tài chính không có ĐVSNCL chuyển thành công ty cổ phần hoặc chuyển về các bộ, ngành địa phương khác quản lý.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Phát huy kết quả đạt được, cũng như để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030.
Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu cơ bản hoàn thành sắp xếp, kiện toàn hệ thống các ĐVSNCL thuộc Bộ Tài chính, phấn đấu giảm từ 3% – 5% số lượng các ĐVSNCL so với năm 2021; giảm từ 5%-10% các ĐVSNCL do NSNN đảm bảo chi thường xuyên so với năm 2021; giảm tối thiểu 10% số người làm việc hưởng lương từ NSNN tại các ĐVSNCL so với năm 2021; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2015-2021.
Giai đoạn 2026 – 2030 cơ bản giữ ổn định hệ thống các ĐVSNCL thuộc Bộ Tài chính; tập trung đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL và danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực tài chính; ban hành theo thẩm quyền định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của Bộ Tài chính.
Hai là, tiếp tục rà soát, kiện toàn hệ thống các ĐVSNCL thuộc Bộ Tài chính phù hợp với quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của Bộ Tài chính; hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị theo hướng tinh gọn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến.
Ba là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm tại các ĐVSNCL thuộc Bộ Tài chính; trên cơ sở đó, đổi mới cơ chế xác định và giao số lượng người làm việc tại các ĐVSNCL do NSNN bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.
Phân loại viên chức, sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65% trong tổng số các vị trí tại đơn vị; đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức; thực hiện chính sách thu hút những người có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong ĐVSNCL.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế tài chính theo hướng phân định rõ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao với hoạt động kinh doanh dịch vụ của các ĐVSNCL; chuyển từ hỗ trợ cho đơn vị sự nghiệp theo cơ chế lấy chi trừ thu sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; phân loại các ĐVSNCL theo mức độ tự chủ về tài chính để phân cấp và tăng tính chủ động cho các ĐVSNCL.
Năm là, tăng cường trách nhiệm, giao đủ thẩm quyền cho Hội đồng trường (Hội đồng quản lý) để thực hiện vai trò quản lý của Bộ tại các ĐVSNCL một cách hiệu quả, thực chất; đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị của các ĐVSNCL, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công. Nghiên cứu áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp đối với các ĐVSN bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Sáu là, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thực hiện nhiệm vụ được giao kém chất lượng và hiệu quả thấp.