Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi vẫn còn tồn tại một số vướng mắc cần sớm có giải pháp điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025.
Đặt vấn đề
Mục tiêu cốt lõi của phân cấp quản lý ngân sách (QLNS) nhà nước (NSNN) là nhằm đảm bảo các nguồn lực tài chính quốc gia được huy động và phân phối sử dụng một cách hiệu quả nhất, đồng thời, đảm bảo tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động khai thác, sử dụng vốn NSNN, sự hài hòa về quyền lực trong quản lý kinh tế – xã hội và quản lý ngân sách của các cấp chính quyền.
Việc phân cấp ngân sách trên địa bàn TP. Hà Nội đã đảm bảo các quy định pháp luật, phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế – xã hội của Thành phố, tạo động lực phát triển kinh tế và xây dựng bộ máy chính quyền các cấp; Tạo tính đồng bộ trong quản lý điều hành ngân sách trên địa bàn Thành phố.
Nội dung của phân cấp quản lý NSNN bao gồm: Phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách; Giao nhiệm vụ chi cho các cấp; Các khoản bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới; Vay nợ của chính quyền địa phương; Vấn đề trao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng vốn NSNN.
Theo đó, mỗi cấp chính quyền được phân chia rõ trách nhiệm và quyền hạn, nghĩa vụ và lợi ích trong việc quyết định các nội dung chủ yếu của NSNN là thu, chi, lập, chấp hành, kế toán và quyết toán NSNN.
Triển khai Luật NSNN năm 2015, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 05/12/2016 về “Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách TP. Hà Nội giai đoạn 2017-2020”.
Kết quả sau hơn 4 năm triển khai Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND đã đạt được nhiều kết quả nổi bật… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi vẫn còn tồn tại một số vướng mắc cần sớm có giải pháp điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025.
Một số kết quả nổi bật
Kết quả nổi bật đạt được từ việc thực hiện Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 05/12/2016 trên địa bàn TP. Hà Nội như sau:
Thứ nhất, đã đảm bảo các quy định pháp luật, phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế – xã hội của Thành phố, tạo động lực phát triển kinh tế và xây dựng bộ máy chính quyền các cấp; Tạo tính đồng bộ trong quản lý điều hành ngân sách trên địa bàn Thành phố.
Thứ hai, tạo điều kiện nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở; Quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn để các cấp chủ động và tự chịu trách nhiệm; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính-ngân sách.
Thứ ba, phân cấp tối đa nguồn thu cho quận, huyện, thị xã, góp phần nâng cao tính năng động của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý, khai thác các nguồn thu trên địa bàn; Chủ động trong việc sử dụng nguồn lực ngân sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi của cơ sở; Đảm bảo nguyên tắc khoản thu nào gắn với quận, huyện, thị xã quản lý phân cấp, điều tiết cho quận, huyện, thị xã hưởng. Cụ thể, Thành phố đã phân cấp tối đa số thu về quận, huyện, thị xã đối với nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê mặt đất mặt nước, tiền sử dụng đất, các loại phí, lệ phí quận huyện thị xã quản lý.
Thứ tư, thu ngân sách địa phương đã đáp ứng các nhiệm vụ chi, đảm bảo hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành, các chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Thứ năm, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đã góp phần nâng số quận, huyện tự đảm bảo cân đối ngân sách trong giai đoạn 2017-2020 lên 10 đơn vị, tăng 3 đơn vị so với giai đoạn 2011-2016. Kết quả này đã khuyến khích Thành phố tăng cường công tác quản lý, khai thác nguồn thu; đồng thời, nâng cao tính chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Khó khăn, vướng mắc đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai còn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi trên địa bàn TP. Hà Nội như:
Thứ nhất, phân cấp về nguồn thu.
– Nguồn thu tiền sử dụng đất theo phân cấp hiện nay, toàn bộ các huyện và Thị xã Sơn Tây được hưởng 100% tiền sử dụng đất đối với đất đấu giá (trên 5.000m2 và dưới 5.000m2 tiếp giáp đường phố, đất xen kẹt; các quận được hưởng tỷ lệ 30% đối với dự án đấu giá; các dự án giao đất các quận, huyện, thị xã được hưởng theo tỷ lệ từ 30-60%.
Tuy nhiên, việc chia quy mô các dự án đất đấu giá như hiện nay (trên 5.000m2 và dưới 5.000m2 tiếp giáp đường phố) có thể tạo kẽ hở cho việc chia nhỏ các dự án thành đất dưới 5.000m2 để ngân sách các quận, huyện hưởng 100%, dẫn tới thực tế ngân sách Thành phố các năm qua đều hụt thu tiền sử dụng đất, trong khi các quận, huyện đều vượt thu tiền sử dụng đất. Mặt khác, cơ bản đến năm 2020 các huyện, thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2021 trở đi, thực hiện nhiệm vụ duy trì và nâng cao các tiêu chí nên nhu cầu kinh phí đầu tư sẽ ít hơn, do vậy, cần điểu chỉnh phù hợp.
– Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2014 của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, trong đó không tổ chức HĐND tại cấp phường, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND quận, thị xã theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Do đó, phải điều chỉnh về phân cấp nguồn thu của quận và phường khi bỏ HĐND cấp phường thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
– Hiện nay, TP. Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt Đề án cho 5 huyện được lên quận đến năm 2025. Với các quy định về phân cấp nguồn thu hiện nay, các huyện chưa tự cân đối được thu chi ngân sách và không có đủ nguồn lực phát triển hoàn thành các tiêu chí lên quận.
Thứ hai, phân cấp về nhiệm vụ chi.
– Trong quá trình tổ chức thực hiện quy định về phân cấp nhiệm vụ chi, có trường hợp một số nội dung chi trên địa bàn các quận, huyện, thị xã nhưng thuộc nhiệm vụ chi của cấp Thành phố nên phải phản ánh lên cấp Thành phố để triển khai thực hiện và chưa giải quyết nhanh chóng các kiến nghị của cử tri và nhân dân. Mặt khác, một số nhiệm vụ chi của cấp huyện, cấp xã nhưng các quận, huyện, thị xã chưa chủ động cân đối, bố trí ngân sách để và còn đề xuất ngân sách Thành phố hỗ trợ. Tình trạng trên đã ảnh hưởng đến công tác lập dự toán ngân sách hàng năm và trung hạn của Thành phố.
– Trong giai đoạn 2017-2020, phát sinh một số nội dung, lĩnh vực do có sự thay đổi chính sách từ trung ương, nên phân cấp quản lý kinh tế xã hội một số lĩnh vực trên địa bàn Thành phố thay đổi. Tuy nhiên, do tỷ lệ điều tiết thực hiện ổn định trong cả giai đoạn nên chưa thực hiện điều chỉnh nhiệm vụ chi mà đang điều hành kinh phí giữa các cấp ngân sách khi HĐND Thành phố quyết nghị phân bổ dự toán.
– Một số nội dung phân cấp quản lý kinh tế – xã hội chưa thực sự phù hợp như: Đối với lĩnh vực duy trì chiếu sáng, thoát nước các khu đô thị, thị trấn thuộc thành phố quản lý… dẫn đến chưa đáp ứng việc duy tu, sửa chữa khi gặp sự cố.
Định hướng trong giai đoạn 2021 – 2025
Nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc, nâng cao công tác quản lý, thu chi NSNN trên địa bàn, trong thời gian tới, TP. Hà Nội cần quan tâm triển khai một số nội dung sau:
Một là, phân cấp nguồn thu đúng quy định, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách cấp Thành phố và sự độc lập, chủ động tương đối của chính quyền các cấp địa phương. Xác định cơ cấu phù hợp giữa phần thu giành cho ngân sách cấp tỉnh và phần thu giành cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã, sao cho ngân sách cấp Thành phố luôn ở trạng thái có thặng dư, ngân sách các quận đạt được cân đối thu chi, còn ngân sách các huyện, thị xã chỉ thiếu hụt ở mức vừa phải.
Hai là, đối với các huyện đã được Thành phố phê duyệt Đề án lên quận, nên xem xét tăng cường phân cấp cho các huyện được hưởng tối đa số thu phát sinh trên địa bàn để tạo nguồn lực đầu tư, phát triển đột phá.
Ba là, các khoản thu tiền sử dụng đất cần tập trung phân cấp nhiều hơn ngân sách cấp Thành phố để đảm bảo vai trò chủ đạo và có nguồn lực dành cho các dự án đầu tư lớn trên địa bàn như: đường sắt đô thị, các dự án hạ tầng khung, nhà máy xử lý rác thải sử dụng công nghệ hiện đại…
Bốn là, việc phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cho ngân sách các cấp ở địa phương cần cụ thể, rõ ràng và ổn định; đồng thời, thực hiện đồng bộ việc xây dựng định mức phân bổ vốn và đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách, trong đó:
– Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp tỉnh gồm: Các dự án có tính chuyên ngành cao, quy mô lớn, các dự án (công trình) có liên quan tới quy hoạch vùng, các dự án có liên quan đến nhiều huyện thị, các dự án phải đảm bảo tính đồng bộ… Trong đó, thực hiện ưu tiên bố trí các dự án theo mục tiêu, cơ cấu đầu tư thuộc kế hoạch tài chính dài hạn, trung hạn, hàng năm theo lĩnh vực, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.
– Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp huyện gồm: Các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật: Điện, đường, nước, cây xanh, lát vỉa hè, điện chiếu sáng riêng lẻ trên địa bàn, xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đơn vị sự nghiệp thuộc cấp huyện, xã… trong phạm vi địa giới hành chính của đơn vị cấp huyện và địa giới hành chính 02 xã trở lên.
– Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp xã gồm: Các khoản chi từ nguồn ngân sách, nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân cho từng dự án nhất định theo quy định của pháp luật trong địa giới hanh chính cấp xã.
Năm là, chi thường xuyên.
– Chi sự nghiệp giáo dục đào tạo, dạy nghề: Theo thực tế hiện nay thì các trường mầm non, trường tiểu học phù hợp với trình độ quản lý của chính quyền cấp huyện và nên giao nhiệm vụ chi của 02 cấp này cho ngân sách cấp huyện. Đối với các cấp học còn lại sẽ là nhiệm vụ chi của ngân sách cấp Thành phố.
– Chi sự nghiệp y tế: Lĩnh vực y tế gồm hai nhiệm vụ chính đó là khám chữa bệnh và phòng bệnh. Về cơ bản, công tác y tế là một nhiệm vụ đòi hỏi sự thống nhất về chuyên môn rất cao, do ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Vì vậy, lĩnh vực này cần sự quản lý chung của Thành phố và ngân sách cấp Thành phố sẽ chịu trách nhiệm chính đối với chi sự nghiệp y tế. Bên cạnh đó, Thành phố cũng nên phân cấp một số nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho cấp huyện để triển khai nhanh chóng đến người dân.
– Chi bảo đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước (cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội..), nên phân cấp theo hướng ngân sách các cấp đảm nhận nhiệm vụ chi đối với các cơ quan đơn vị thuộc cấp của mình.
– Chi sự nghiệp kinh tế: Nên phân định chi tiết nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách trong việc đảm bảo các hoạt động sự nghiệp kinh tế do chính quyền từng cấp quản lý và phải rà soát, dự kiến đầy đủ các nhiệm vụ phát sinh, tránh trường hợp quy định chưa bao quát hết các công việc cần làm, dẫn đến lúng túng, triển khai chậm khi có nhiệm vụ được giao.
Tài liệu tham khảo:
1. UBND TP. Hà Nội, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2017-2020;
2. UBND TP. Hà Nội, Báo cáo tổng quyết toán ngân sách Thành phố các năm 2017- 2019;
3. UBND TP. Hà Nội, Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Thành phố các năm 2017- 2020;
4. Ban Kinh tế – ngân sách, HĐND Thành phố, Báo cáo giám sát các kỳ họp từ năm 2017-2020.
(*) Nguyễn Việt Hà – Thành uỷ viên, Bí thư Quận uỷ Thanh Xuân
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2021