Nới room ngoại cho ngân hàng

0
169

Tuy nhiên, chốt chặn room ngoại ở tỷ lệ thấp đang phần nào hạn chế các ngân hàng thương mại Việt Nam tăng vốn.

Ráo riết tăng vốn

Trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2022 đang diễn ra, hầu như các ngân hàng đều có tờ trình các cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ. Các ngân hàng có thể tăng vốn điều lệ thông qua nhiều phương thức từ lợi nhuận giữ lại, chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu thưởng cho lãnh đạo, cán bộ nhân viên, người lao động…

Trên thực tế, việc ngân hàng tăng vốn điều lệ đã và đang tạo nên một cuộc đua dường như “không giới hạn”, và những đường biên vô hình trong cạnh tranh cũng đã bị phá vỡ bởi cuộc đua. Nhờ kế hoạch và phải khẳng định là cả tham vọng, việc tăng vốn điều lệ có thể đưa VPBank “một bước thăng hạng”, vượt qua cả các ngân hàng Big4 để dẫn đầu về vốn điều lệ trên toàn hệ thống. Và cuộc đua này vẫn đang không dừng lại khi bám sát nút trong top đầu, Vietcombank, BIDV hay VietinBank đều có mong muốn được tiếp tục tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Tuy nhiên, tăng vốn điều lệ nếu chỉ dựa vào lợi nhuận giữ lại hay vốn chủ, thì mức độ và quy mô cũng vẫn có giới hạn. Trong khi đó, nhu cầu vốn của ngân hàng trong bối cảnh một phần vốn có thể kẹt lại trong tín dụng đã cơ cấu lại vì COVID-19, vì trái phiếu doanh nghiệp, vì cho vay tài trợ đầu tư bất động sản và các dự án dài hạn…, lẫn thách thức của nợ xấu, đang rất lớn.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, nhận định việc các ngân hàng đua tăng vốn là điều tất yếu, và điều này vẫn chưa dừng trong năm nay lẫn các năm kế tiếp, khi các ngân hàng phải vừa cân đối được sự lành mạnh, sự ổn định vĩ mô và hiệu quả hoạt động kinh doanh, trên cơ sở phải bảo đảm hệ số CAR tối thiểu theo Basel II. Điều đó sẽ giúp ngân hàng được các tổ chức xếp hàng uy tín xem xét nâng hạng tín nhiệm, góp phần tăng sức hấp dẫn trong ngành.

Cơ hội nào cho vồn ngoại?

Thông điệp mà Chính phủ đã quyết liệt khẳng định là hướng đến minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, phát triển thị trường bền vững; còn mục tiêu cụ thể là hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những yếu tố để nâng hạng thị trường là “nâng quy mô”. Và cách thức để vừa nâng quy mô, vừa cho thấy sự mở cửa chào đón dòng vốn ngoại, là phải tiếp tục xem xét về vấn đề nâng trần sở hữu khối ngoại (FOL) tại các TCTD. Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Các ngân hàng hiện đều đang có tỷ lệ sở hữu khối ngoại dưới FOL.

Cơ hội của các ngân hàng trong kỳ vọng tăng vốn khối ngoại năm nay, được đánh giá tích cực hơn khi Agribank đang được thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, BIDV vẫn còn room ngoại khoảng 13,2% – vẫn còn dư địa để gia tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, BSC của BIDV mới đây đã bán 35% vốn cho 1 thành viên của KEB Hana Bank, cho thấy mục đích hợp tác chiến lược dài hạn và sẵn sàng bỏ vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc cho ngân hàng là rất rõ ràng.

Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định 22/QĐ-CP ngày 02/07/2021, Nhà nước phải sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các ngân hàng có vốn nhà nước (SOCB) trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, những nhà băng đã cận room như VietinBank… sẽ hết cửa nới room ngoại nếu không có chính sách mới. Việc nới room ngoại cho các ngân hàng vì vậy, vẫn đang tập trung vào một số ít NHTM cổ phần tư nhân.

Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, theo EVFTA, trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 01/08/2020), Việt Nam đã cam kết xem xét cho phép 2 TCTD Châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên như đề cập quy định nêu trên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các SOCB như BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.

Với 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho VAMC, Bản Việt cho rằng Sacombank có thể là ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết EVFTA này, vì số cổ phần này vượt quá ngưỡng FOL 30% hiện đang áp dụng cho các ngân hàng, việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA.

Tuy nhiên, một số tổ chức khác vẫn rất kỳ vọng “ngưỡng 30%” sẽ thay đổi. Trong một báo cáo, Mirae Asset nhận định Techcombank đang là một trong 2 ngân hàng có thể là ứng viên được xem xét phê duyệt nới room ngoại tới 49%. Trong khi HDBank đã phát hành trái phiếu chuyển đổi cho một định chế quốc tế nên cũng có thể đã “đón lõng” việc hiện thực hóa kỳ vọng nới room ngoại.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcHOSE đang phối hợp các công ty chứng khoán thử nghiệm giao dịch lô lẻ
Bài tiếp theoĐất đai – tài sản đặc biệt, cần quản lý đặc biệt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây