Nợ xấu hệ thống ngân hàng ở mức độ bao nhiêu?

0
188

Theo dữ liệu Chính phủ vừa công bố, từ báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) của toàn hệ thống các TCTD đến 31/5/2021 là 425,4 nghìn tỷ đồng.

Quy mô trên bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ hạch toán ngoại bảng cân đối kế toán, nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt được xác định theo Nghị quyết 42.

Tính theo tổng dư nợ 9.647.847 tỷ đồng cập nhật đến cuối tháng 5/2021, tỷ lệ nợ xấu nói trên ở mức 4,4%. Theo báo cáo của Chính phủ, quy mô này đã giảm 3,4% so với cuối năm 2020.

Còn nếu tính theo tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD thì đến cuối tháng 5/2021 ở mức 1,77%, tăng so với mức 1,69% vào cuối năm 2020.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực) đến 31/5/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 353,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2021 đạt trung bình khoảng 6,06 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,54 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực từ 15/8/2017 đến 31/5/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 130,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 39,28% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.

Theo nhận định của Chính phủ, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, gây tác động tiêu cực đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.

Trước đó, cuối năm 2020, báo cáo với Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định tác động bất thường của đại dịch Covid-19 là một trong những yếu tố khiến mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể xuống dưới mốc 3% phải chuyển tiếp sang năm 2021.

Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, đại dịch Covid-19 cho thấy tác động sâu rộng và kéo dài hơn đối với nền kinh tế trong năm 2021. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến mục tiêu nói trên, thậm chí là một tác động lớn có thể làm nợ xấu có xu hướng tăng mạnh thời gian tới như Chính phủ nhận định.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTổng cục Thuế họp bàn các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021
Bài tiếp theoThanh khoản căn hộ vùng giáp ranh thành phố Thủ Đức đạt trên 90%, bất chấp Covid-19

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây