Nhà ở giá rẻ “nóng lên”‘ với các dòng vốn mạnh

0
122

Giữa quý II/2022, “gã khổng lồ” ngành địa ốc Vinhomes làm dậy sóng dư luận khi công bố một kế hoạch làm nhà ở xã hội giá dưới 1 tỷ đồng. Mục tiêu là hoàn thành 500.000 căn trong 5 năm tới. Quy mô các dự án khoảng 50-60 ha tại vùng ven TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng…

Dòng tiền đổi hướng

Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh công bố đầu tư khoảng 100.000 căn nhà ở xã hội với giá từ 20 triệu đồng/m2. Hay như Tập đoàn Thắng Lợi cũng gia nhập cuộc đua làm nhà ở giá rẻ, khi dự kiến tung ra thị trường khoảng 10.000 căn, với giá bình quân trên dưới 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết: “Đây chỉ là khởi đầu, chúng tôi có nền tảng sẵn nên sẽ làm được nhiều hơn trong chiến lược làm 1 triệu căn nhà ở cho công nhân Bình Dương và 1 triệu căn nhà ở TP. Hồ Chí Minh”.

Chưa biết kết quả thực tế sẽ ra sao, tuy nhiên những diễn biến thị trường cho thấy các “đại gia” hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản đang bắt đầu chuyển hướng dòng tiền về các sản phẩm giá mềm, thay vì chỉ phát triển phân khúc cao cấp, hạng sang. Câu hỏi đặt ra là vì sao?

Theo các chuyên gia, lý do quan trọng nhất là bởi những đòi hỏi của thị trường. Các kết quả khảo sát đều cho thấy sự mất cân bằng cung cầu đang vô cùng nghiêm trọng khi số lượng nhà giá cao vượt trội nhà giá rẻ. Người dân bình thường mất khả năng sở hữu nhà, trong khi tồn kho ngày càng gia tăng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, trong đầu tư nhà đất, khi giá tăng từ 50 – 70% chỉ trong vòng trên dưới một năm, nhà đầu tư không quan tâm đến giá trị sử dụng mà chỉ chăm chăm mua giá cao để bán giá cao hơn, thì thị trường đã tới giai đoạn “nguy hiểm”.

Vì vậy, việc nhiều doanh nghiệp địa ốc hàng đầu có động thái điều chỉnh dòng tiền, cơ cấu lại danh mục sản phẩm theo hướng phù hợp với tài chính của đại đa số người mua nhà ở thực. Đây là một bước đi quan trọng giúp cân bằng và ổn định lại thị trường, duy trì sự tăng trưởng.

Một lý do khác, theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm, việc làm nhà ở giá rẻ là một phần trong trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, là cơ hội để cùng chia sẻ mục tiêu và tầm nhìn hướng tới sự phát triển bền vững chung.

“Trong quá trình triển khai các dự án nhà ở giá thấp, hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành không đặt mục tiêu lợi nhuận, mà đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo dựng giá trị chung cho cộng đồng, thông qua việc cung cấp nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu phổ thông”, ông Thắng nói.

Giải được “cơn khát”?

Các kết quả thăm dò chỉ ra, trong hơn 10 năm qua, mức giá bình quân của mọi phân khúc nhà đất đã tăng 3 – 5 lần. Ngoại trừ phân khúc nhà cao cấp, số lượng căn hộ bình dân và trung cấp trên thị trường đã giảm nhanh chóng, nhiều thời điểm nguồn cung trên thị trường bằng không.

Cần có các giải pháp để các sản phẩm nhà giá mềm đến được tay người dân có nhu cầu ở thực. Bởi có một thực tế hiện nay là người thu nhập thấp vẫn là những F3, F4 trong chuỗi cung ứng, tức phải mua nhà qua tay giới đầu cơ, khiến giá tăng 5 – 10%, thậm chí cao hơn.

Cụ thể, trước năm 2009, nhà giá rẻ thường nằm trong vùng giá từ 500 – 700 triệu đồng/căn, các căn hộ tầm trung có giá từ 900 triệu đồng/căn. Đến giai đoạn 2015 – 2018, nhà giá rẻ tăng lên vùng giá 0,9 – 1,3 tỷ đồng/căn, nhà thương mại mở bán với mức dưới 600 triệu đồng/căn rơi vào tình trạng khan hiếm.

Đặc biệt, đến giai đoạn 2019 – 2021, các cơn sốt liên tục xảy ra, khiến mặt bằng giá nhà đất cũng theo đó liên tục “leo thang”. Nhà giá rẻ có mức giá trên dưới 1 tỷ đồng gần như biến mất trong rổ hàng, khiến giấc mơ “an cư” của người thu nhập thấp và trung bình ngày càng xa vời.

Vì vậy, việc hàng loạt “ông lớn” có dòng vốn mạnh tham gia vào cuộc đua làm nhà giá rẻ được kỳ vọng sẽ cải thiện nguồn cung, từ đó giải “cơn khát” cho người dân, đặc biệt là lao động phổ thông, tầng lớp trung lưu và người có thu nhập thấp.

Một vấn đề đặt ra là cần có các giải pháp để các sản phẩm nhà giá mềm đến được tay người dân có nhu cầu ở thực. Bởi có một thực tế hiện nay là người thu nhập thấp vẫn là những F3, F4 trong chuỗi cung ứng, tức phải chịu thiệt khi mua nhà qua tay giới đầu cơ, khiến giá tăng 5 – 10%, thậm chí cao hơn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, đánh giá việc các nhà đầu tư giàu tiềm lực tham gia phân khúc nhà giá rẻ là tín hiệu rất tích cực, giúp cân bằng thị trường. Bên cạnh các sản phẩm để bán, các doanh nghiệp cần tăng cường nhà cho thuê, vì công nhân, người lao động nghèo đô thị với thu nhập ít ỏi cũng khó có thể mua được nhà, dù giá rẻ.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang thiếu gay gắt, đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2, tương đương 54.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.

Cả nước đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội, nhưng tốc độ triển khai rất chậm. Để khuyến khích doanh nghiệp rót tiền, cần nhanh chóng “cởi trói” về cơ chế. Điển hình như vướng mắc trong quy định trích lập 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại từ 2 – 5ha để xây nhà ở xã hội tại Nghị định 49, hay giải bài toán nguồn vốn vay ưu đãi…

Nếu được “cởi trói”, các dự án nhà ở giá rẻ, nòng cốt là nhà ở xã hội và nhà ở công nhân sẽ tăng hấp lực với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những “đại gia” hàng đầu như Vinhomes, Hưng Thịnh, Đồng Tâm, Hòa Bình, Nam Long, Địa Ốc Sài Gòn, Hoàng Phúc, TTC Land… vốn đã có những hoạt động tích cực thời gian qua. Từ đó, giúp nguồn cung được cải thiện, “cơn khát” nhà ở của người dân được giải tỏa.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTrái phiếu “sạch” cho bất động sản
Bài tiếp theoChuyển đổi số – Tương lai của ngành môi giới bất động sản

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây