Khảo sát cho thấy, kể từ tháng 6/2022 đến nay, làn sóng rao bán bất động sản thấp hơn giá thị trường 5 – 20% tại TP. Hồ Chí Minh nhằm thu hồi vốn, “cắt nợ” đang âm thầm lan ra. Ở nhiều tỉnh, thành khác, thị trường nhà đất cũng ở tình trạng “trắng” bên mua dù lượng chào bán gia tăng.
Ngóng “sóng” để thoát hàng
Ngay cả trong tháng 9, bất chấp việc hệ thống nhà băng được nới room tín dụng, thanh khoản thị trường bất động sản vẫn không có sự chuyển biến nào rõ ràng. Điều này cho thấy “cú hích hạ tầng” đang gần như là niềm hy vọng duy nhất của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Anh Vũ Thành Danh (Hà Nội) chia sẻ, cuối năm 2020, anh rót hơn 4 tỷ đồng mua 2 lô đất liền kề ven tuyến đường số 28, nằm trong khu đô thị trung tâm TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dù mua vào lúc sốt đất nhưng với mặt bằng giá hiện tại, nếu bán được, anh sẽ có lãi chênh khoảng hơn 1 tỷ đồng.
“Vấn đề hiện tại là không thể bán được, tôi đã chi kha khá tiền cho môi giới nhưng hơn 3 tháng qua không thể tìm được người mua để “chốt lời”. Nhiều khách liên hệ nhưng đòi giảm về mức giá gốc, đây là điều không thể chấp nhận”, anh Danh tâm sự.
Trước áp lực thu hồi vốn để tái đầu tư, anh Danh cho biết đang “ngóng” thời điểm đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt. Đây được kỳ vọng sẽ là “cú hích” mới cho mảng bất động sản Nha Trang, trong đó có loại hình đất nền khu đô thị.
Không chỉ riêng tại Nha Trang, thực tế chỉ ra hạ tầng quy hoạch chính là yếu tố hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất có thể khiến thị trường bất động sản sôi động hơn ở thời điểm hiện tại. Dù chỉ là cục bộ, sốt đất ăn theo “sóng” hạ tầng vẫn là cơ hội của những nhà đầu tư có nhu cầu “thoát hàng”.
Điển hình, thời gian qua, nhiều khu vực quanh dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài dù chưa xác định thời điểm khởi công nhưng thị trường đã có dấu hiệu tăng nhiệt rất nhanh. Đơn cử như giá đất tại huyện Bến Cầu thời điểm này đã tăng 30 – 50% so với năm 2021.
Anh Lê Luân, một nhà đầu tư đang sở hữu 3 lô đất nền gần cửa khẩu Mộc Bài (đoạn qua huyện Bến Cầu) cho biết giá đất khu vực này đang được rao ở mức 800 triệu – 1,2 tỷ đồng/lô (70 – 90m2). “Thị trường đang khá sôi động, vì vậy, tôi đang chờ thời điểm thích hợp để có thể “chốt lời” rồi chuyển sang nơi khác sau gần 3 năm đầu tư ở đây”, anh Luân chia sẻ.
Có nên “rót tiền” mua vào?
Có thể thấy, sốt đất ăn theo sóng hạ tầng là cơ hội để các nhà đầu tư có nhu cầu thoát hàng có thể bán ra. Nhưng ở chiều ngược lại, một câu hỏi đặt ra là liệu “nhà đầu tư có nên tận dụng thời cơ, đón sóng quy hoạch để mua vào?”.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia Đại học Việt Đức, năm 2022 được đánh giá là năm của đầu tư công, nâng cấp hạ tầng kết nối, cải thiện tiện ích khu vực, vì vậy giá đất ở nhiều vùng quy hoạch sẽ có chiều hướng tăng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ đang là ý tưởng, sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu, hoặc nhiều dự án chỉ là tin đồn. Lợi dụng điều này, nhiều môi giới hoặc những người muốn bán sẽ tung tin nóng, đẩy giá bán lên cao, gây sốt ảo. Do đó, các nhà đầu tư, đặc biệt là những “tay ngang” có ý định xuống tiền cần cẩn trọng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo: “Các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin hay mua bất động sản cần cân nhắc kỹ các thông tin, tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt cần thận trọng khi tiếp cận các khu vực đang nóng sốt do thông tin quy hoạch. Đồng thời, cần lựa chọn những nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động hợp pháp để được tư vấn đúng”.
Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa cho rằng, bất động sản vẫn đang là nơi “trú ngụ” tốt nhất của dòng tiền. Đặc biệt, trong bổi cảnh thanh khoản thị trường xuống thấp, nhiều người buộc phải giảm giá 15 – 30% để thoát hàng, thu hồi vốn, đây là cơ hội để các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh có thể “bắt đáy”.
Bất chấp việc thị trường đang có nhiều bất ổn, các chuyên gia dự báo giá nhà đất vẫn nằm trong xu hướng tăng, vì vậy đầu tư bất động sản vẫn là lựa chọn an toàn cho những nhà đầu tư có dòng tiền mạnh, tầm nhìn dài hạn.
Tuy nhiên, để giảm rủi ro, nhà đầu tư cần cân nhắc 3 nhóm yếu tố. Đầu tiên là giao dịch thị trường đang chậm lại, thứ hai là giá bán thứ cấp có xu hướng giảm nhẹ, nhất là ở vùng xa, và cuối cùng là ngân hàng siết tín dụng, lãi suất vay có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.