Nhà đầu tư F0 không chỉ có “gà mờ”

0
139

Số liệu thống kê từ đầu tháng 5 đến nay cho thấy, các cá nhân trong nước chiếm đến 87% tổng giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, với tỷ trọng giao dịch chưa đến 7%, vị thế đầu tư của khối ngoại bị lép vế hoàn toàn.

F0 không còn đơn thuần “3 không”

Trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận gần 480.500 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước mở mới, vượt 20% số tài khoản mở mới của cả năm 2020, gấp 2,5 lần tài khoản mở mới cả năm 2019. Hiện có hơn 3,25 triệu tài khoản chứng khoán, bằng 3,2% dân số Việt Nam.

“Binh đoàn lính mới” này liên tục nhồi tiền vào chứng khoán giúp thị trường liên tiếp chứng kiến các phiên có thanh khoản từ 32.000 tỷ đến hơn 38.000 tỷ đồng (tương đương 1,4-1,7 tỷ USD), vượt trội hơn hẳn mức bình quân 7.420 tỷ đồng/phiên của năm 2020.

Lâu nay, thuật ngữ “nhà đầu tư F0” là để nói về những nhà đầu tư mới với kiến thức còn hạn hẹp, tâm lý muốn lướt sóng nhanh, kiếm lời lớn nên đầu tư theo cảm xúc, không dựa trên “chất lượng” cổ phiếu. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, họ sẵn sàng rút tiền đổ vào kênh có lợi nhuận cao như chứng khoán.

Điều này làm dấy lên lo ngại thị trường chứng khoán tăng mạnh nhưng không dựa trên “thực lực” của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt. Thậm chí có người còn đưa ra câu hỏi: liệu có xảy ra “bong bóng” giống như giai đoạn 2007-2008 hay không?

Tuy nhiên, nhìn vào những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán có thể thấy, các lo ngại trên là khó có thể xảy ra. Có một mối tương quan thú vị giữa thị trường chứng khoán và giãn cách xã hội, đó là tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh mỗi đợt dịch bùng phát.

Lực lượng F0 với số lượng đông đảo các cá nhân trong nước đang thể hiện sức mạnh vượt trội, có thể “cân” hết lượng bán ròng khoảng 30.000 tỷ đồng của khối ngoại từ đầu năm. Lượng mua mới cũng giúp thị trường chung ghi nhận các mức kỷ lục về chỉ số và thanh khoản.

Theo ông Vicente Nguyen, Giám đốc một quỹ đầu tư 60 triệu USD, nhà đầu tư F0 đã giúp cho thị trường tăng trưởng vượt bậc, giúp cho các doanh nghiệp huy động được một nguồn vốn lớn. Lớp nhà đầu tư này vẫn sẽ là nội lực giúp thị trường tăng trưởng trong thời gian tới, cũng như số lượng F0 còn tiếp tục tăng lên.

“Tôi không nghĩ họ sẽ chóng đến rồi chóng đi. Những người đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn có thể rời bỏ thị trường, nhưng cũng có các nhà đầu tư khác sẽ ở lại lâu hơn”, ông Vicente nói.

Nhận định của ông Vicente là hoàn toàn có cơ sở khi không phải ai gia nhập thị trường cũng mới toanh và mang đặc tính “3 không”, mà có thể tuỳ theo giai đoạn, vị thế, tư duy và tiềm lực mà phân loại ra các lớp F0 khác nhau.

Xuất hiện thế hệ F0 khác

Đây có thể là một lực lượng nhà đầu tư đã giải nghệ trong thời gian dài và quay lại thị trường trong thời điểm gần đây. Đó là lớp nhà đầu tư gục ngã bởi sự khắc nghiệt của thị trường ở giai đoạn đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 – 2008 và giai đoạn khủng hoảng nội tại kinh tế Việt Nam 2010 – 2012, với những di chứng tâm lý lâu dài.

Do đó, khi quay trở lại trong bối cảnh hiện nay thì tính thận trọng và tư duy định hình ở quá khứ sẽ là tâm thế chủ đạo của họ để gia nhập thị trường.

Hay như theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset, lớp nhà đầu tư F0 của hiện tại đã không chỉ có “gà mờ”, mà còn có cả “cá mập, cá voi…” từ những ngành khác đổ bộ, sẵn sàng chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư thêm ở kênh chứng khoán.

Đây là các nhà đầu tư gia nhập thị trường để định hình cuộc chơi đầy chủ động và tư duy kinh doanh đầu tư vượt trội.

“Có thể miêu tả tổng quát họ là những đại gia, những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và gia nhập thị trường với đầy đủ trang bị từ kiến thức tới công cụ và thông tin để tìm kiếm cơ hội một cách rõ ràng và chủ động nhất. Có thể họ không có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm đầu tư tại thị trường mới mẻ này, nhưng lại có cái mà ai cũng thấy là tiền”, ông Tuấn cho biết.

Thực tế, với tiềm lực tài chính mạnh, những nhà đầu tư này sẽ trang bị xung quanh mình đội ngũ phân tích, tư vấn chuyên nghiệp, đánh giá kỹ lưỡng về cơ hội từ vi mô tới vĩ mô, từng doanh nghiệp mục tiêu một cách chi tiết nhất.

Ngoài ra, sự “bắt tay” nhau của các “F0 cá mập” này cũng tạo nên những thương vụ M&A hấp dẫn và bom tấn của thị trường bởi tài lực của họ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Kim Eng Việt Nam cho rằng, thời gian tới nhà đầu tư F0 vẫn đóng vai trò chủ đạo và có tỷ suất sinh lời tốt hơn, bởi có “máu liều” hơn.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcYêu cầu đối với hệ thống công nghệ thông tin trên thị trường chứng khoán?
Bài tiếp theoCông nghiệp hỗ trợ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây