Người dùng vẫn “ngóng”… mobile money giữa bối cảnh Covid-19

0
117

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện tại đã có Viettel, VNPT và MobiFone gửi hồ sơ xin cấp phép thí điểm mobile money. Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước phối hợp thẩm định và cho ý kiến. Tuy nhiên, hiện các hồ sơ đã được gửi lại cho 3 doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện hệ thống theo quy định nêu tại quyết định 316 của Thủ tướng về việc phê duyệt thí điểm dịch vụ này.

Doanh nghiệp chuẩn bị kỹ càng

Ông Phạm Trung Kiên – Tổng Giám đốc Viettel Digital cho biết, khi triển khai Mobile Money, Viettel sẽ áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất bằng sự phối hợp với các đơn vị an ninh mạng, không gian mạng đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ.

Các phương pháp kỹ thuật hiện đại như công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, cho biết việc triển khai thí điểm dịch vụ mobile money sẽ góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cũng phải nhắc lại, tài khoản mobile money chỉ được thanh toán cho các giao dịch nội địa, không áp dụng cho các dịch vụ mua bán hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài. Hạn mức giao dịch tối đa là 10 triệu đồng/tháng. Riêng số tiền được nạp vào tài khoản mobile money không bị khống chế. Để chuyển tiền vào tài khoản mobile money, khách hàng có thể nạp tiền mặt vào tài khoản mobile money tại các điểm kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thí điểm dịch vụ này. Ngoài ra, có thể nạp tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ ví điện tử của khách hàng tại chính doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ.

Đặc biệt, các cá nhân có tài khoản ngân hàng hay ví điện tử cũng có thể chuyển tiền từ các tài khoản này sang tài khoản mobile money. Chủ tài khoản mobile money cũng có thể nhận tiền từ tài khoản mobile money khác. Việc đa dạng kênh để nạp tiền vào tài khoản mobile money nhằm gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Đồng thời, khách hàng có thể rút tiền mặt từ tài khoản mobile money tại các điểm kinh doanh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc tiếp cận dễ dàng đã khiến Mobile money trở nên cực kỳ hữu ích ở những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, nơi không có bất kỳ chi nhánh ngân hàng nào hoạt động.

Chị Thảo Quyên (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhưng đi chợ là việc tất yếu. Người dân cần những dịch vụ thanh toán không tiền mặt thể hiện theo cách gần gũi nhất, thực hiện dễ dàng nhất bằng phương tiện đơn giản, thân thuộc nhất… như cách họ đang gọi điện, nhắn tin thường ngày. Hy vọng dịch vụ mobile money sớm được triển khai để người dân yên tâm đi chợ”.

Sẽ thí điểm ngay khi đáp ứng đủ điều kiện

Tuy nhiên, kể từ thời điểm Chính phủ phê duyệt việc triển khai thí điểm mobile money, đến nay sau hơn 3 tháng vẫn chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép triển khai.

Theo quyết định 316, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn tại các điểm kinh doanh để nhận biết và xác thực chính xác khách hàng (nhận diện khuôn mặt…) khi đăng ký sử dụng dịch vụ mobile money.

Đồng thời, doanh nghiệp thí điểm dịch vụ này còn phải xây dựng cơ chế kiểm soát các giao dịch tiền mặt tại các điểm kinh doanh, đảm bảo nhận biết và kiểm soát được chính xác số tiền đã nhận của khách hàng…

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngay khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định, các doanh nghiệp sẽ được triển khai thí điểm theo quy định là 2 năm.

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, trước khi Thủ tướng phê duyệt Quyết định 316 ngày 9/3 vừa qua, các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ Mobile Money đã từng bước chuẩn bị hồ sơ từ trước. Tuy nhiên, việc hoàn tất hồ sơ phải đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong quá trình hoạt động.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến Chính phủ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng xin ý kiến Chính phủ về việc ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trên môi trường mạng…

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trước[Infographics] Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 đã tiếp nhận ủng hộ 8.159 tỷ đồng
Bài tiếp theoSự hồi phục của thị trường bất động sản nửa cuối năm sẽ phụ thuộc vào vaccine

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây