Tham dự hội nghị, tại điểm cầu Bộ Tài chính có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và đại diện lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc Bộ Tài chính. Tại điểm cầu các Tổng cục, có đại diện lãnh đạo các Tổng cục và các vụ, cục chức năng thuộc các Tổng cục.
Các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước
Báo cáo tại Hội nghị, ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 7/2022 do ngành Thuế quản lý đạt 122.500 tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 7 tháng đạt 911.027 tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tính đến hết tháng 7/2022, cơ quan thuế thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế ước đạt khoảng 89.200 tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế gia hạn khoảng 43.000 tỷ đồng; số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 46.200 tỷ đồng. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, việc triển khai các gói miễn giảm, gia hạn tiền thuế đã trực tiếp hỗ trợ nguồn lực tài chính cho người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động tích cực đến công tác thu ngân sách trong 7 tháng đầu năm và các tháng tiếp theo.
Về triển khai hóa đơn điện tử toàn quốc, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, số lượng hóa đơn điện tử phát hành bình quân đạt 10 triệu hóa đơn; Lũy kế tháng 7 ước đạt 857 triệu hóa đơn điện tử phát hành. Trước sự tăng nhanh của số lượng hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cấp theo dõi thường trực 24/7, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống hóa đơn điện tử để đảm bảo hoạt động phát hành hóa đơn được liên tục, thông suốt, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cũng thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, cơ quan thuế tích cực đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo đó, trong 7 tháng, toàn ngành Thuế triển khai được 31 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số tiền xử lý là 31.600 tỷ đồng.
Tại điểm cầu Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn – Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, nhờ hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực và chống thất thu qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tổng thu NSNN 7 tháng đầu năm do ngành Hải quan quản lý đạt 261.062 tỷ đồng, bằng 74,2% dự toán, bằng 70,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2021.
Trong công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, toàn ngành Hải quan đã thực hiện các chuyên án, chuyên đề ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Tháng 7, toàn ngành Hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.842 vụ việc vi phạm, số vụ vi phạm tăng so với thời điểm trước nhưng không có tính chất phức tạp. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành triển khai chuyên án về việc một số hãng tàu lợi dụng chính sách để trốn thuế, thực hiện khởi tố hình sự và truy thu khoảng gần 100 tỷ đồng.
Tại điểm cầu Kho bạc Nhà nước Việt Nam, ông Trần Quân – Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam (KBNN) cho biết, tính đến hết tháng 7/2022, KBNN phát hành được 78.422 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đạt 19,6% kế hoạch. Do thu NSNN đang ở mức tốt, giải ngân vốn đầu tư công chậm nên KBNN đã chủ động điều hành giảm khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp để giữ ổn định lãi suất phát hành, tạo điều kiện để ngân hàng nhà nước giữ ổn định thị trường tiền tệ.
Tại hội nghị giao ban, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã báo cáo tình hình thực hiện công tác trong tháng 7 và kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 8, hướng tới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong các tháng tiếp theo và trong cả năm 2022.
Năng động, thích ứng, đổi mới để hoàn thành tốt các nhiệm vụ
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022 của các đơn vị, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách tài khóa nhằm phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, phối hợp thực hiện nhịp nhàng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; công tác chi ngân sách nhà nước kịp thời, bám sát tiến độ dự toán…
“Mặc dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian qua, nhưng phải nhìn nhận rằng, chưa bao giờ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được triển khai phối hợp nhịp nhàng như hiện nay, góp phần ổn định, cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là một thành công lớn của ngành Tài chính.” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Đồng thời, lưu ý bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chính sách, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi yêu cầu các đơn vị phải đặc biệt quan tâm tới giới hạn phạm vi trách nhiệm của đơn vị trong các văn bản quy phạm pháp luật để nghiên cứu, soạn thảo, ban hành và thực thi công tác sao cho đúng việc, đúng trách nhiệm, đạt hiệu quả cao.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc biểu dương các đơn vị trong toàn ngành Tài chính thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy, thực hiện cơ bản tốt các chính sách tài khóa, quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm, tài sản công… Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại để tìm ra các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa các thiếu sót gây ảnh hưởng chung đến toàn ngành.
“Bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức, do vậy các đơn vị cần chủ động, sát sao và trách nhiệm hơn trong công tác. Toàn ngành Tài chính phải năng động, thích ứng, đổi mới để hoàn thành tốt các nhiệm vụ”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đơn vị tập trung sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, điều hành linh hoạt chính sách tài khóa đặc biệt là cơ chế, chính sách liên quan đến công tác thu trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử, sàn thương mại xuyên biên giới, hoàn thuế giá trị gia tăng…; chủ động xây dựng dự toán ngân sách, xây dựng báo cáo tình hình thực hiện ngân sách.
Bên cạnh đó, bám sát nhiệm vụ; giữ vững, ổn định thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; làm tốt công tác quản lý giá, quản lý công sản trên hai phương diện: hoàn thiện pháp luật và tăng cường quản lý, kiểm soát.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra, chủ động hoàn thành kế hoạch và lập kế hoạch thanh tra kiểm tra năm 2023; đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa ngành Tài chính, thực hiện giảm thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, bố trí nhanh, gọn, chính xác, kịp thời để phục vụ nhiệm vụ…