Trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội của đất nước. Đặc biệt, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch bệnh tiếp tục bùng phát trở lại ở nhiều địa phương với số ca nhiễm lớn và tăng nhanh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch, ngoài việc chủ động đề xuất và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp tài khóa, Bộ Tài chính cũng đã huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Thống kê cho thấy, năm 2020, ngân sách nhà nước đã chi 21,1 nghìn tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo đời sống cho người dân. Ngoài ra, ngân sách trung ương đã dành trên 14,5 nghìn tỉ đồng để mua vắc xin phòng COVID-19.
Tính chung cả năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, ngân sách nhà nước đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân. Trong đó, chi mua vắc xin, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế…, hỗ trợ các lực lượng chức năng tham gia phòng chống dịch, hỗ trợ người bị cách ly là 8,4 nghìn tỷ đồng; chi cho khoảng 13,2 triệu đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 là 13,1 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Đảng và Nhà nước xác định cần thực hiện mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng. Coi chiến lược vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch COVID-19, việc thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 được đưa ra và là một chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị để huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Tài chính đã báo cáo và trình Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19. Ngày 26/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 do Bộ Tài chính quản lý. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương thành lập Ban quản lý Quỹ đặt tại Kho bạc Nhà nước và mở tài khoản ngay để tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đồng thời, công khai số tài khoản và số điện thoại để hướng dẫn, tạo thuận lợi nhất cho người ủng hộ chuyển tiền…
Theo tính toán, để mua và tiêm cho 75 triệu dân, cần 150 triệu liều vắc xin với kinh phí là 25,2 nghìn tỷ đồng. Để huy động được đủ nguồn lực khổng lồ này thì ngoài nguồn ngân sách nhà nước thì sự chung tay, đóng góp từ tổ chức, cá nhân, từ đồng bào trong và ngoài nước là hết sức quan trọng. Xác định Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng để cho đất nước ta chống lại đại dịch, kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính sẽ công khai, minh bạch số tiền hàng ngày, từng đợt ủng hộ và công khai quyết toán của Bộ Y tế sau từng đợt tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19. Khi có yêu cầu của Bộ Y tế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ xuất Quỹ kịp thời để Bộ Y tế mua vắc xin về phục vụ nhân dân.
Theo báo cáo của Ban quản lý Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19, tính đến 17h00 ngày 27/8/2021, Quỹ đã huy động được 8.637 tỷ đồng; xuất mua vắc xin 282 tỷ đồng; số dư Quỹ 8.355 tỷ đồng; tổng số tổ chức, cá nhân đóng góp là 528.801. Trong đó, chung tay cùng cả nước đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19, thống kê sơ bộ, đến nay, tổng số tiền ủng hộ từ sự đóng góp của các đơn vị trong ngành Tài chính ủng hộ nộp vào Quỹ thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tỉnh là 20,972 tỷ đồng.
Chính phủ hiện đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm, ngân sách tập trung nguồn lực gồm cắt giảm và tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn khác để chi cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Việc huy động các nguồn lực tài chính phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn hiện nay thực sự trở thành thách thức lớn đối với ngành Tài chính.
Tin tưởng rằng, với sự đồng lòng nhất của của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, ngành Tài chính sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như thông điệp được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh trong Thư chúc mừng 76 năm Ngày Truyền thống Ngành Tài chính Việt Nam: “Nhiệm vụ của ngành Tài chính trong thời gian tới hết sức nặng nề và nhiều thử thách, nhưng với truyền thống vẻ vang 76 năm của Ngành, tôi tin tưởng chắc chắn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021 và các năm tiếp theo mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.