Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh nội dung trên tại cuộc họp trực tuyến của ngành ngân hàng mới đây để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19.
Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ ngân hàng
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên câu chuyện phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế là nhiệm vụ kép rất lớn của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương.
Thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường khá cao do sức chống chịu không còn. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ DN rất tích cực thời gian vừa qua.
Minh chứng là, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát bằng việc kịp thời ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01) về tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí cùng nhiều cơ chế chính sách khác. Hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn…
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đến thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021, doanh nghiệp cần được các ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất.
Đảm bảo hài hòa hai mục tiêu
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (Nghị quyết 63), Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp…
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Ngân hàng Nhà nước đã và đang xây dựng Chương trình hành động nhằm khẩn trương, quyết liệt góp phần đưa Nghị quyết 63 đi vào cuộc sống.
“Mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hòa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt vấn đề.
Nhìn nhận những thách thức mà nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đang phải đối diện, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng thương mại cũng đã đề xuất tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất – kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
Đồng thời, hệ thống ngân hàng tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội bằng những chương trình hành động cụ thể sẽ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành trong thời gian tới. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng cũng như cả hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền tài chính quốc gia.
Phó Thống đốc cũng giao cho Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất ngay trong tháng 7/2021 này./.