Thông tư số 02/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu rõ, ngân sách địa phương chi hỗ trợ công tác xử lý ô nhiễm môi trường theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt bao gồm các nội dung: điều tra khảo sát, phân tích đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường, lập kế hoạch, đề án, dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, mua bản quyền công nghệ xử lý chất thải nếu có, kiểm tra, nghiệm thu dự án.
Trong đó, chi cho dự án xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích do địa phương quản lý (đối với dự án có tính chất chi sự nghiệp bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường), thuộc danh mục dự án theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định sửa đổi, bổ sung khác của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngân sách địa phương chi hỗ trợ hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và chôn lấp chất thải sinh hoạt tại địa phương (không bao gồm hoạt động xây dựng cơ sở xử lý chất thải); Dự án về bảo vệ môi trường khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Cũng theo Thông tư số 02/2017/TT-BTC, ngân sách địa phương còn chi hỗ trợ công tác quản lý chất thải, điều tra, đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, đánh giá sức chịu tải của môi trường, thuộc nhiệm vụ của địa phương theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thống kê, cập nhật tình hình phát sinh chất thải, sản phẩm thải bỏ.