Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định tỷ giá

0
128

Theo ông Phạm Chí Quang, từ đầu năm 2022, thị trường quốc tế diễn biến phức tạp với nhiều biến động khó lường: căng thẳng Nga – Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống kinh tế-tài chính toàn cầu, tác động mạnh lên giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản, làm trầm trọng thêm hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; các ngân hàng trung ương đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), tăng lãi suất điều hành nhằm kiểm soát áp lực lạm phát tăng cao kỷ lục trên toàn cầu; thị trường tài chính tiền tệ biến động mạnh.

Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tiếp tăng lãi suất điều hành 3 lần chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022; mức tăng lãi suất ngày 15/6 (0,75 điểm %) lớn nhất trong vòng 28 năm qua và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Đồng đô la Mỹ (USD) quốc tế tăng giá mạnh (chỉ số DXY tăng khoảng 10% từ đầu năm 2022), khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Những diễn biến trên tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ.  

Trước bối cảnh đó, tỷ giá USD/VND không có xu hướng giảm như năm 2021 mà từ đầu năm 2022 đến nay tăng khoảng 2% so cuối năm 2021.

Mặc dù thị trường quốc tế biến động mạnh nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất-kinh doanh trong bối cảnh giá năng lượng và giá hàng hóa cơ bản tăng mạnh trước diễn biến quốc tế phức tạp như đề cập ở trên.

Trong bối cảnh khó khăn, phức tạp nêu trên, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

“Từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND, qua đó hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ”, ông Quang cho biết. 

Cũng theo ông Phạm Chí Quang, tỷ giá USD/VND hiện nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021 là phù hợp với điều kiện, diễn biến thị trường trong, ngoài nước, phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của điều hành chính sách tiền tệ là góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Như đề cập ở trên, ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là mục tiêu có tính nhất quán trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đặc biệt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng nhanh, do đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu này, đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”, ông Phạm Chí Quang khẳng định.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp điều hành đồng bộ thanh khoản VND để hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại tệ và mặt bằng lãi suất.

Những năm gần đây, khi điều kiện thị trường thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcCùng với giảm thuế, cần tìm nguồn cung và ngăn chặn thẩm lậu xăng dầu
Bài tiếp theoCục Thuế tỉnh Lạng Sơn phổ biến chính sách thuế mới và đối thoại với doanh nghiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây