Nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính – ngân hàng

0
122

Đa dạng hóa các chương trình truyền thông

Để đưa chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đến gần hơn với người gửi tiền, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã sử dụng đồng bộ nhiều kênh truyền thông khác nhau, đặc biệt là phát triển các sản phẩm truyền thông như website – kênh thông tin thể hiện tiếng nói chính thức của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. Với trung bình khoảng hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi năm, website truyền tải các nội dung chính sách tới đông đảo công chúng, trong đó có chuyên mục “Người gửi tiền nên biết” với nội dung thiết thực dành riêng cho người gửi tiền. Đây là chuyên mục với những thông tin gắn bó trực tiếp tới quyền, lợi ích của người gửi tiền, được cập nhật liên tục theo những chủ đề mới, được người gửi tiền quan tâm, từ đó tuyên truyền chính sách BHTG một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất. 

Bên cạnh đó, Bản tin BHTG được xuất bản hàng quý được gửi tới tất cả các tổ chức tham gia BHTG, trong đó có 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, qua đó cung cấp thông tin tới những lãnh đạo và cán bộ giao dịch tại các đơn vị này, nhằm đảm bảo họ có kiến thức, hiểu biết về BHTG để tuyên truyền, giải thích cho người gửi tiền ở mức độ cơ bản nhất khi cần thiết. 

Báo chí, phát thanh, truyền hình cũng là một trong những kênh truyền thông gián tiếp được Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam sử dụng hiệu quả nhằm xây dựng nhận thức về chính sách BHTG đối với công chúng, góp phần tạo nên sự đồng thuận chung. Để đảm bảo độ bao phủ thông tin, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam phối hợp cùng các báo, tạp chí có lượng độc giả lớn, đặc biệt là các báo hướng tới đối tượng người lao động, người làm nông nghiệp để triển khai tuyên truyền. Các bài viết được đăng tải đồng thời trên báo điện tử và báo giấy nhằm tiếp cận được đối tượng độc giả đa dạng. Nội dung các bài viết xoay quanh các vấn đề cốt lõi của chính sách BHTG, hoạt động của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, hỏi – đáp về chính sách, đặc biệt là với những vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi người gửi tiền như: Hạn mức BHTG, tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền được bảo vệ như thế nào…

Thông qua kênh phát thanh, truyền hình, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng xây dựng nhiều phóng sự, phim tài liệu, tiểu phẩm tuyên truyền để phát tại các sự kiện cũng như các kênh phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương. Thực tế cho thấy, việc sử dụng tiểu phẩm, clip để truyền tải nội dung chính sách sẽ giúp những nội dung này trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận đối với phần đông công chúng và thu hút được sự quan tâm cao.

Song song đó, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tích cực tổ chức các sự kiện tuyên truyền với hình thức đa dạng, truyền tải được chính sách BHTG một cách sinh động, gần gũi phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, mức độ nắm bắt thông tin của người dân.

Hướng tới công chúng trọng tâm

Khác với các loại hình bảo hiểm thương mại khác, mục tiêu truyền thông của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam không để “bán” một sản phẩm cụ thể, mà hướng tới đích cuối cùng là xây dựng, gìn giữ niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng thông qua nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chính sách BHTG. Đối tượng truyền thông mục tiêu của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam không phải là công chúng một cách chung chung mà là những đối tượng được xác định một cách rõ ràng, cụ thể.

Từ khi Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực tới nay, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam xác định đối tượng công chúng mục tiêu trọng tâm, được quan tâm đặc biệt là người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ở nông thôn, miền núi. Đây cũng là nhóm công chúng ít có điều kiện tiếp cận với thông tin, kiến thức về lĩnh vực tài chính – ngân hàng – BHTG, do đó, dễ bị tổn thương trước các thông tin hay biến động của hoạt động ngân hàng.

Việc hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền tại QTDND đươc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam triển khai từ năm 2016, là căn cứ để toàn hệ thống Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tổ chức tuyên truyền tới cán bộ tại các QTDND cũng như trực tiếp tới người gửi tiền. Theo đó, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thường xuyên tổ chức sự kiện tuyên truyền đối với ban lãnh đạo và cán bộ giao dịch của QTDND. Đây là đối tượng công chúng đặc biệt, vừa là đại diện của các tổ chức tham gia BHTG, vừa thực hiện các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tiếp xúc trực tiếp với người gửi tiền, là đối tượng trung gian giúp lan tỏa chính sách BHTG.

Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các sự kiện Đại hội QTDND, trong hoạt động thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương như Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc… kết hợp truyền thông chính sách trong hoạt động kiểm tra chuyên sâu một số QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, qua đó đáp ứng nhu cầu tuyên truyền trực tiếp tới người gửi tiền ở khu vực nông thôn, người gửi tiền tại các QTDND.

Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng triển khai tuyên truyền chính sách BHTG trên hệ thống Bưu điện Việt Nam thông qua đặt standee, dán poster có các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người gửi tiền tại các điểm giao dịch bưu điện. Đến nay, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã tuyên truyền thông qua mạng lưới bưu điện tại 36 tỉnh, với hơn 400 điểm bưu điện huyện, thị và gần 5.000 điểm bưu điện văn hóa xã, tiếp cận với số lượng lớn người gửi tiền tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa v.v…

Một đối tượng công chúng tiềm năng được Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tích cực tiếp cận và đã bước đầu mang lại hiệu quả truyền thông mạnh mẽ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là sinh viên các khoa kinh tế, ngân hàng. Công tác truyền thông tới đối tượng này giúp các em có cái nhìn đúng, chính xác về BHTG, qua đó, các em có thể tư vấn được cho gia đình, người thân cũng như là kiến thức cho quá trình hoạt động tại các tổ chức tài chính trong tương lai…

Có thể thấy, nỗ lực trong công tác phổ biến chính sách của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đang ngày một củng cố lòng tin của người gửi tiền. Những hoạt động được thực hiện thường xuyên đã giúp người dân hình thành thói quen ứng xử phù hợp khi tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin không tích cực về tài chính – ngân hàng.

Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, tuyên truyền chính sách BHTG và tài chính toàn diện, nâng cao nhận thức và hiểu biết của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ tài chính nói chung và của người gửi tiền đối với hoạt động ngân hàng nói riêng để hỗ trợ người tiêu dùng tài chính trong việc sử dụng dịch vụ một cách sáng suốt, duy trì kỷ luật thị trường.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcBộ Tài chính yêu cầu các đơn vị lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công
Bài tiếp theoThành lập công ty quản lý và đầu tư bất động sản VMI JSC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây