Nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu

0
168

Tình hình năng lực tài chính của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu

– Về quy mô tổng tài sản: Trong giai đoạn 2018-2020, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) là một trong những ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng khá nhanh về quy mô tài sản so với các ngân hàng thương mại trong hệ thống, cụ thể: Năm 2019, tổng giá trị tài sản đạt 383.514.439 triệu đồng, tăng 16,45% so với năm 2018; Năm 2020, tổng giá trị tài sản đạt 444.530.104 triệu đồng, tăng 15,91% so với năm 2019 (Bảng 1).

– Quy mô vốn chủ sở hữu: Bảng 1 cho thấy, vốn chủ sở hữu đang có xu hướng tăng lên về giá trị và tỷ trọng trên tổng nguồn vốn, điều này cho thấy khả năng tài chính của ACB đang được chú trọng và tăng cường. Vốn chủ sở hữu của ACB trong năm 2020 đạt 35.448.163 triệu đồng, tăng 27,67% so với năm 2019.

Nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - Ảnh 1

– Quy mô nguồn vốn huy động: Hoạt động huy động vốn của ACB cho thấy sự tăng trưởng liên tục, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động mỗi năm trên 14%. Quy mô nguồn vốn huy động của ACB tăng lần lượt từ 269.998.503 triệu đồng năm 2018 lên 308.129.391 triệu đồng năm 2019 và năm 2020 tăng lên 353.195.838 triệu đồng.

Khảo sát cho thấy, nguồn vốn huy động của ACB liên tục tăng, nguyên nhân chủ yếu là do ACB đã tận dụng được lợi thế ngân hàng bán lẻ, tập trung vào các đối tượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, ACB liên tục đưa ra các sản phẩm đặc thù với lãi suất cạnh tranh. ACB cũng mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch. Hiện nay, ACB đã thiết lập được 350 chi nhánh và phòng giao dịch, với không gian và thiết bị hiện đại. Trên cả nước ACB đã đặt hơn 11.000 cây ATM  và 850 đại lý Western Union trên toàn quốc.

– Khả năng sinh lời: Chỉ số lợi nhuận trên tài sản trung bình (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ACB tương đối ổn định trong giai đoạn 2019-2020. ROA và ROE của ACB trong năm 2002 lần lượt là 1,69% và 24,64%. Để đánh giá về khả năng sinh lời của ACB, tác giả so sánh chỉ số ROA và ROE của ACB so với một số các ngân hàng thương mại có quy mô tài sản tương đương với ACB như: Techcombank (Tổng tài sản năm 2019 là 383.699.461 triệu đồng, năm 2020 là 444.530.104 triệu đồng); VPbank (Tổng tài sản năm 2019 là 377.204.126 triệu đồng, năm 2020 là 439.602.933 triệu đồng); SHB (Tổng tài sản năm 2019 là 365.254.318 triệu đồng, năm 2020 là 412.679.593 triệu đồng) (Bảng 2,3).

Theo Bảng 2, chỉ số ROA của ACB so với các ngân hàng khác có cùng quy mô tài sản tương đối thấp. Chỉ số ROA của ACB năm 2019 và 2020 lần lượt là 1,69% và 1,86%. Điều này cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa thật sự tương ứng với quy mô tài sản của ACB;

Bảng 3 cho thấy, so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương với ACB thì tỷ số ROE của ACB cao hơn rất nhiều. Điều này cho thấy, khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu của ACB tương đối tốt so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương tự, việc tăng vốn chủ sở hữu của ACB đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho ngân hàng.

Nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - Ảnh 2

– Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR): Tỷ lệ CAR của ACB năm 2018 là 12,8%; năm 2019 là 10,9%; năm 2020 là 10,7%. Như vậy, trong giai đoạn 2018-2020, ACB luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn trên mức tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9% được quy định tại thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy, ACB đã chú trọng vấn đề an toàn vốn và phòng ngừa rủi ro.

– Quản lý nợ: Đi đôi với mở rộng tín dụng ACB luôn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu năm 2018 là 0,73%, năm 2019 là 0,54% và năm 2020 là 0,9%. Điều này cho thấy, giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ nợ xấu đã được ACB kiểm soát khá tốt, dưới 1%.

Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của ACB thời gian qua đã đạt khá nhiều thành tựu, đóng góp vào sự phát triển chung của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Quy mô tài sản, huy động vốn và tín dụng của ACB luôn tăng trưởng tốt. Bên cạnh việc tăng trưởng quy mô hoạt động thì ACB cũng đã chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng. ACB luôn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 1%, nhờ đó, lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Tỷ lệ ROE luôn ổn định và tương đối cao so với các ngân hàng cùng quy mô. Với việc tăng vốn điều lệ qua các năm, ACB đã khẳng định uy tín và thương hiệu trên thị trường.

Mặc dù huy động vốn của ACB tăng trưởng tốt, hoạt động tín dụng cũng có xu hướng tăng, tuy nhiên mức tăng trưởng của hoạt động tín dụng vẫn còn thấp so với mức tăng của hoạt động huy động vốn. Điều này cho thấy, ACB chưa sử dụng hết vốn huy động được, có hiện tượng lãng phí vốn. Đồng thời, dư nợ cho vay vẫn còn tập trung nhiều vào một số khách hàng truyền thống, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn. Cho nên, nếu rủi ro xảy ra đối với những khách hàng trên thì ACB sẽ khó khăn trong khó xử lý hậu quả, bởi vì khả năng phân tán rủi ro của ACB còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, tỷ trọng cho vay trung – dài hạn của ACB vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các khoản cho vay, thực trạng này làm cho vòng quay vốn tín dụng của ACB giảm.

Vốn chủ sở hữu của ACB chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng nguồn vốn, điều này làm ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR của ACB thời điểm hiện tại vẫn tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên đang có xu hướng giảm dần từ 12,8% năm 2018 xuống 10,7% năm 2020. Như vậy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ACB.

ACB mặc dù là một trong những ngân hàng đi đầu trong các sản phẩm dịch vụ mới, tuy nhiên thực tiễn cho thấy, tỷ lệ sản phẩm dịch vụ mới của ACB được khách hàng chấp nhận và có chu kỳ sống lâu chưa nhiều. Nguyên nhân là do Chiến lược marketing của ngân hàng chưa thật sự hiệu quả. Phương thức bán hàng còn mang tính thụ động, chờ đợi khách hàng tìm đến hơn là chủ động tự tìm kiếm khách hàng. Dịch vụ ngân hàng còn đơn giản, chủ yếu là các dịch vụ truyền thống như: huy động vốn và cho vay, các dịch vụ liên quan đến thanh toán, chuyển tiền, các sản phẩm tích hợp công nghệ cao chưa phát triển mạnh. So với các ngân hàng thương mại hiện nay, công nghệ hóa ngân hàng của ACB còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay, ACB cần thiết phải thường xuyên, liên tục nâng cao năng lực tài chính.

Giải pháp nâng cao năng lực tài chính của ACB

Để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và ứng phó hiệu quả với các rủi ro tài chính, ACB cần tiếp tục giữ vững và duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trên 10% như hiện tại. Đồng thời, nghiên cứu và có giải pháp để tăng cường vốn điều lệ, xử lý dứt điểm nợ tồn đọng, làm lành mạnh hoá tình hình tài chính; Chú trọng hiện đại hoá công nghệ ngân hàng và hệ thống thanh toán, thúc đẩy hoạt động marketing, đa dạng hoá và nâng cao tiện ích các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; Xây dựng thêm nhiều sản phẩm, gia tăng tiện ích cho khách hàng trong quá trình giao dịch.

Nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - Ảnh 3

Cùng với việc hiện đại hoá công nghệ, ACB cũng cần có chính sách khai thác công nghệ hiệu quả thông qua việc phát triển những sản phẩm và nhóm sản phẩm dựa trên công nghệ cao, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ, tạo sự đa dạng trong lựa chọn sản phẩm và tăng cường bán chéo sản phẩm đến khách hàng. Việc phát triển đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ cũng sẽ giúp ACB phân tán và hạn chế rủi ro trong quá trình hoạt động.

Đặc biệt, để thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra, ACB cần cải tiến và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, thủ tục vay vốn nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng; Xây dựng chiến lược khách hàng đúng đắn, ngân hàng và khách hàng gắn bó chặt chẽ lâu bền. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có kế hoạch đào tạo, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao phong cách phục vụ cán bộ, nhân viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.           

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu năm 2018, 2019, 2020;

2. Lương Xuân Minh (2020), Thực trạng năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Công Thương;

3. Nguyễn Minh Kiều (2014), Nghiệp vụ Ngân hàng thương mại hiện đại, NXB Tài chính;

4. Các website: http: www.cophieu68.vn, https://finance.vietstock.vn.

(*) ThS. Nguyễn Hà Thương – Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcKịch bản nào cho bất động sản 6 tháng cuối năm 2021?
Bài tiếp theoCovid -19 đang thay đổi cách chọn nhà của khách hàng?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây