Để thực hiện các mục tiêu này, phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán là một trong các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Đánh giá chung về hệ thống kế toán, kiểm toán hiện nay
Việc triển khai Chiến lược kế toán, kiểm toán (KTKT) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã tạo lập hệ thống KTKT tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế.
Khuôn khổ pháp lý về KTKT được tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở vận dụng thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, từ đó tạo ra môi trường pháp lý về KTKT đầy đủ và phù hợp; tạo điều kiện cho hoạt động KTKT phát triển; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho các hoạt động kinh tế – tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị kế toán…
Vai trò và năng lực quản lý nhà nước về KTKT từng bước được nâng cao; công tác quản lý, giám sát hoạt động KTKT tiếp tục được đẩy mạnh; việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về KTKT được thực hiện với các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Thị trường dịch vụ KTKT được phát triển theo tất cả các tiêu chí, cả về chất lượng dịch vụ và quy mô hoạt động; từ đó góp phần nâng cao chất lượng, làm lành mạnh hóa và nâng cao tính công khai, minh bạch của các hoạt động kinh tế, tài chính của tất cả các đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế – xã hội (KT-XH).
Nguồn nhân lực và hoạt động của các tổ chức, đơn vị KTKT được phát triển có chiều sâu và hiệu quả hơn, từ đó, thúc đẩy hiệu quả các hoạt động quản lý nghề nghiệp, phát triển thị trường dịch vụ KTKT, góp phần ổn định và phát triển nền KT-XH nói chung. Các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực KTKT trong nước đã khẳng định được vai trò, vị trí và nỗ lực hoạt động theo định hướng trở thành tổ chức tự quản; Thực hiện cải cách hành chính một cách thực chất với các giải pháp cụ thể, thiết thực; triển khai và đưa vào áp dụng các dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực KTKT ở cấp độ cao phù hợp; Mở rộng quan hệ hợp tác sâu rộng với các tổ chức quốc tế về KTKT với các hoạt động đa dạng, phong phú trong khu vực và trên thế giới.
Tình hình thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán
Các kết quả đạt được
Thị trường dịch vụ KTKT Việt Nam đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền KT-XH. Môi trường pháp lý về cơ bản được quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển thị trường dịch vụ do các doanh nghiệp (DN) dịch vụ KTKT cung cấp.
– Đối với thị trường dịch vụ kiểm toán: Cùng với sự phát triển về số lượng và quy mô từng công ty, các dịch vụ do các DN kiểm toán cung cấp đã không ngừng được mở rộng, đa dạng hóa các loại dịch vụ như: Kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC), soát xét thông tin tài chính quá khứ, kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và các dịch vụ đảm bảo khác; tư vấn, tổng hợp thông tin tài chính, dịch vụ tin học, định giá tài sản, tuyển dụng nhân viên, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin, dữ liệu. Với việc mở rộng các dịch vụ, các DN kiểm toán (DNKT) ngày càng đáp ứng hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng và quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa các DN nhà nước trong các năm qua.
Thông qua dịch vụ kiểm toán, các DNKT đã góp phần giúp các DN, tổ chức, các dự án quốc tế nắm bắt được kịp thời, đầy đủ và tuân thủ đúng các chính sách kinh tế, tài chính; loại bỏ được chi phí bất hợp lý, tạo lập được thông tin tin cậy, từng bước đưa công tác quản lý tài chính, kế toán trong các đơn vị vào nề nếp… Hoạt động kiểm toán độc lập đã khẳng định được vị thế và uy tín trong nền kinh tế thị trường, được các DN và xã hội thừa nhận, góp phần quan trọng trong việc làm lành mạnh hoá môi trường đầu tư và nền tài chính quốc gia. Thông qua kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, các đơn vị xác định giá trị vốn đầu tư đúng đắn, góp phần loại bỏ các chi phí không hợp lý, hợp lệ, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), góp phần làm lành mạnh hoá tài chính trong quản lý đầu tư XDCB.
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 204 DNKT, trong đó, có 10 DNKT có vốn đầu tư nước ngoài và 194 công ty 100% vốn trong nước. Trong 10 DNKT có vốn đầu tư nước ngoài có 4 DNKT nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn, 3 DNKT nhà đầu tư nước ngoài chiếm 70-90% vốn. Trong các DNKT thuộc nhóm Big 4, 100% người đủ điều kiện ký báo cáo kiểm toán (partner) là người Việt Nam. Các DNKT thuộc nhóm Big 4 tại Việt Nam hoạt động trên nguyên tắc được nhượng quyền sử dụng thương hiệu, nộp phí và chịu sự kiểm soát chất lượng của Big 4 trên toàn cầu.
– Đối với thị trường dịch vụ kế toán: Mặc dù có thị phần rất rộng lớn bao gồm cả các DN và các đơn vị kế toán nhà nước, tuy nhiên số lượng DN cung cấp dịch vụ đăng ký còn hạn chế, quy mô thị trường còn nhỏ. Tính đến hết tháng 12/2020, có 135 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (tăng 14,4% so với năm 2019) và 386 cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (tăng 19,9% so với năm 2019). Về tỷ lệ tăng trưởng, quy mô doanh nghiệp tăng hàng năm khá nhanh nhưng số lượng còn khiêm tốn. Năm 2019, mặc dù doanh nghiệp đã tăng 57% so với năm 2018 nhưng số lượng khách hàng mới chỉ đạt con số 7.396 đơn vị, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong thị trường.
– Về nguồn nhân lực cho thị trường dịch vụ: Tất cả các kế toán viên và kiểm toán viên có chứng chỉ đều có trình độ cử nhân về tài chính, KTKT, ngân hàng… trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm thực tế và được trải qua kỳ thi cấp quốc gia để được cấp chứng chỉ kiểm toán viên.
Số lượng người có chứng chỉ kiểm toán viên của Việt Nam cho đến thời điểm tháng 8/2020 là 5.636 người, trong đó có 2.349 người đang làm việc trong các DNKT (chiếm 42% số người có chứng chỉ kiểm toán viên).
Số lượng người có chứng chỉ kiểm toán viên nước ngoài ở Việt Nam là 2.075 người, làm việc trong các DNKT là 379 người, trong đó có 266 người làm việc tại các công ty kiểm toán Big 4, số còn lại đang làm việc tại các DN, tổ chức kinh tế và cơ sở đào tạo khác.
Số lượng người có chứng chỉ kế toán viên cho đến tháng 12/2020 là 1.091 người, trong đó có 350 người đang làm việc trong các DN dịch vụ kế toán, chiếm 32% số người có chứng chỉ kế toán viên.
Một số tồn tại, hạn chế
Một là, hệ thống pháp luật về KTKT đã bộc lộ các bất cập, cần được tiếp tục hoàn thiện: Trước yêu cầu phát triển của nền KT-XH và hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập cho đến nay đã tỏ ra bất cập, cần có những đánh giá, tổng kết để sửa đổi, bổ sung thay thế.
Hai là, hoạt động quản lý, công tác kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật về KTKT chưa đạt hiệu quả cao. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động KTKT tuy đã được chú trọng, tăng cường, song cũng còn một số hạn chế, tồn tại như trong việc xây dựng thể chế; thực hiện quản lý, giám sát hành nghề, thực thi pháp luật về KTKT ở đơn vị; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện xử phạt các vi phạm… Hoạt động quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động KTKT là hết sức quan trọng nhưng chưa được hoàn thiện. Hoạt động kiểm tra chất lượng dịch vụ trong một số trường hợp còn có hạn chế nhất định. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước chưa nắm được đầy đủ, kịp thời các vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xử lý, ngăn chặn các vi phạm.
Ba là, thị trường dịch vụ KTKT cần được cải thiện trên một số phương diện: Về chất lượng dịch vụ, qua công tác giám sát cho thấy, mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể nhưng thực tế chất lượng dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán tại một số DN còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số DN và kế toán viên, kiểm toán viên chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán và các quy định pháp luật có liên quan. Đối với dịch vụ kiểm toán, thông thường các hạn chế này xảy ra tại các DN kiểm toán có quy mô nhỏ do không có đủ nguồn lực để thực hiện dịch vụ, trong khi các DN phải chịu sức ép từ doanh thu, thời gian và cạnh tranh giá phí.
Bốn là, nguồn nhân lực về KTKT cần đạt chất lượng cao hơn: Các kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề ở Việt Nam là những người thành thạo về chuyên môn, có hiểu biết tốt về các quy tắc và quy định áp dụng trong nước. Tuy nhiên, môt số người chưa được đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, quản lý sự thay đổi trong các tình huống phức tạp và có tính cạnh tranh cao ở môi trường kinh doanh quốc tế.
Quy định về chức danh nghề nghiệp chưa hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế; Hoạt động thẩm định giá chưa có thị trường tham chiếu phù hợp; Đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, người hành nghề KTKT và ý thức tuân thủ pháp luật kế toán của các doanh nghiệp ở Việt Nam trong công tác lập và trình bày BCTC còn hạn chế dẫn đến giảm vai trò của thông tin BCTC của đơn vị.
Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển KTKT đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, nâng cao chất lượng dịch vụ KTKT, thời gian tới, cần tăng cường thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTKT.
– Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập; nghiên cứu xây dựng các Luật KTKT thay thế cho các Luật hiện hành theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và giải quyết căn bản các tồn tại, hạn chế, làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện tiếp khung pháp lý về KTKT.
– Xây dựng và ban hành các nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, đảm bảo cụ thể hóa để tổ chức triển khai đúng quy định của các Luật. Ban hành các văn bản phù hợp để công bố áp dụng các chuẩn mực BCTC quốc tế; ban hành chuẩn mực BCTC, chuẩn mực kế toán công, chuẩn mực kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ của Việt Nam.
– Ban hành các nguyên tắc, quy định để phục vụ thị trường tài chính, chứng khoán và các dịch vụ khác phục vụ việc công bố BCTC theo chuẩn mực BCTC quốc tế đối với các công ty niêm yết và các công ty có lợi ích công chúng khác; quản lý hành nghề, điều kiện kinh doanh trong khuôn khổ pháp lý đồng bộ và phù hợp.
– Tiêu chuẩn hóa các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng đối với dịch vụ KTKT; các quy định các chế tài xử lý vi phạm, xử lý vi phạm hành chính đảm bảo tính răn đe, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật.
– Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật và các chuẩn mực chuyên môn nghiệp vụ của các DN, đơn vị kế toán, DN cung cấp dịch vụ KTKT.
– Nâng cao năng lực của tổ chức quản lý, giám sát KTKT; tăng cường năng lực nhân lực có trình độ, chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp; đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức thực hiện độc lập, chất lượng và ổn định.
– Thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của các cơ quan, đơn vị, DN, tổ chức kinh tế; trong đó lưu ý đối với đơn vị có lợi ích công chúng.
– Tổ chức hệ thống thông tin, dữ liệu về thông tin tài chính của các DN, đơn vị kế toán, phục vụ việc khai thác theo dịch vụ công.
Thứ ba, tái cơ cấu lượng cầu thị trường dịch vụ KTKT.
– Nghiên cứu xác định đối tượng phải thực hiện kiểm toán độc lập BCTC phù hợp. Quy định rõ tiêu chí đối với các DN phải được kiểm toán BCTC hàng năm và minh bạch thông tin tài chính, kế toán.
– Xác định tiêu chí đối với các đơn vị có lợi ích công chúng theo hướng bổ sung các đối tượng cần thiết, cùng với các yêu cầu về công khai, minh bạch BCTC chặt chẽ và hiệu quả, đảm bảo lợi ích công chúng và sự phát triển bền vững.
– Cụ thể hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của DN, đơn vị kế toán và các cá nhân trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch tình hình tài chính, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư và các bên liên quan đối với báo cáo và các thông tin tài chính khác.
Thứ tư, ổn định và nâng cao chất lượng nguồn cung dịch vụ KTKT.
– Định hướng về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ của các DN kiểm toán, DN dịch vụ kế toán phù hợp với yêu cầu của thực tế; tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ kiểm toán viên, kế toán viên; thực hiện hiệu quả các giải pháp đối với nguồn cung dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ KTKT.
– Nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi của các chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ KTKT, kể cả các hình thức bồi thường vật chất và xử lý trách nhiệm hình sự; thực hiện công bố, công khai vi phạm.
– Hoàn thiện mô hình quản trị, tạo cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán của các đơn vị, DN thuê dịch vụ KTKT phù hợp với mô hình quản lý và quy định pháp luật; xây dựng quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ tại các DN KTKT; nâng cao ý thức thực hiện chuẩn mực nghề nghiệp, chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp…
– Hoàn thiện các quy định tạo cơ sở và điều kiện cho việc tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề…
– Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá và các dịch vụ khác, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin làm cơ sở xác định các chỉ số tài chính.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực về KTKT.
– Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KTKT tại tất cả các khâu.
– Đổi mới phương thức học và thi lấy chứng chỉ CPA, đảm bảo các kiến thức và kỹ năng theo đúng yêu cầu của Liên đoàn kế toán quốc tế IFAC, đảm bảo điều kiện công nhận lẫn nhau trong khu vực và quốc tế.
Thứ sáu, phát triển các hội nghề nghiệp:
– Căn cứ quy định của pháp luật về Hội, pháp luật về KTKT, xây dựng ban hành các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về về KTKT; xây dựng mô hình tổ chức hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế, thu hút đông đảo hội viên tham gia.
– Nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyên môn của Hội nghề nghiệp; chuyển giao các hoạt động nghề nghiệp phù hợp.
Thứ bảy, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế và các hoạt động khác:
– Tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về KTKT và các tổ chức phi Chính phủ trên thế giới; Nghiên cứu các mô hình của các nước phát triển để vận dụng vào Việt Nam trong việc xây dựng kỹ thuật nghiệp vụ KTKT; phát triển dịch vụ KTKT; hoàn thiện mô hình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ hành nghề về KTKT.
– Nghiên cứu, triển khai các giải pháp về hội nhập KTKT; thị trường dịch vụ KTKT với các nước trên thế giới và khu vực; tham gia là thành viên chính thức của các diễn đàn về quản lý kiểm toán độc lập trên thế giới và khu vực; hỗ trợ tổ chức nghề nghiệp thực hiện đầy đủ vai trò thành viên của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.
– Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, đơn vị kế toán, các DN kinh doanh dịch vụ KTKT và người hành nghề KTKT.
– Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động KTKT; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát thị trường dịch vụ KTKT.
– Xây dựng hệ thống dữ liệu để quản lý và giám sát việc hành nghề KTKT; kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý, giám sát KTKT, thị trường chứng khoán; đảm bảo việc công bố thông tin minh bạch, kịp thời cho thị trường.
Tài liệu tham khảo:
Chiến lược kế toán, kiểm toán giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030;
Dự thảo Chiến lược kế toán, kiểm toán giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035;
Báo cáo tổng kết thị trường dịch vụ kiểm toán (năm 2019, 2020);
Báo cáo tổng kết thị trường dịch vụ hành nghề kế toán (năm 2019, 2020);
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, năm 2019, Nghiên cứu xây dựng Chiến lược kế toán, kiểm toán giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035“.