Miễn, giảm hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế

0
154

Kết quả thực hiện thu NSNN 4 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN tháng 4/2022 do cơ quan Thuế quản lý thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 136 ngàn tỷ đồng, đạt 113,6% so với dự toán và bằng 113,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, tổng thu ngân sách đạt 544.215 tỷ đồng, đạt 46,3% dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 24.096 tỷ đồng, bằng 85,4% so với dự toán.

Đánh giá một số nguyên nhân chủ yếu tác động đến kết quả thu, Bộ Tài chính cho rằng, tiếp nối kết quả đạt được của quý I/2022, tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã̃ hội và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3/2022 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước.

Tháng 4/2022, nhiều hoạt động đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: công nghiệp chế biến, chế tạo (chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm 2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng năm 2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước); xuất nhập khẩu hàng hóa (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng năm 2022 tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%)…

Dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới giảm dần ở các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ả̉nh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, kinh tế – xã hội nước ta vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thuế trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong 4 tháng đầu năm.

Về cơ chế, chính sách, trong năm 2022, một số chính sách hỗ trợ DN và người dân theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã được triển khai trong năm 2021 tiếp tục có hiệu lực đã tác động, làm giảm số thu NSNN những tháng đầu năm 2022 (tổng số giảm thu khoảng 9.674 tỷ đồng).

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với DN, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, giảm 30% mức tỷ lệ % để tính GTGT đối với DN, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu tháng 11 và tháng 12-2021 cho một số ngành bị ảnh hưởng nặng do Covid-19; giảm 30% số thuế  thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019; miễn thuế quý III, IV đối với hộ, cá nhân kinh doanh, tác động làm giảm thu NSNN trong những tháng đầu năm 2022, riêng thuế GTGT phát sinh trong tháng 12 và quý IV/2021 thực hiện kê khai trong tháng 1-2022 ước tính giảm khoảng 1.115 tỷ đồng, thuế TNDN quý IV/2021 và chênh lệch quyết toán năm 2021 là khoảng 959 tỷ đồng, giảm trừ vào nghĩa vụ thuế khoán năm 2022 đối với hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện được miễn thuế quý III, IV-2021 ước tính đến ngày 30/4/2022 là 3.100 tỷ đồng.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện Nghị định số 103/2021/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi-rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31-5-2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 4.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số chính sách mới hỗ trợ DN và người dân được ban hành và có hiệu lực trong năm 2022 cũng tác động làm giảm thu NSNN khoảng 5.000 tỷ đồng như:

Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ về việc quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội:  giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, thời gian áp dụng từ ngày 1-2-2022 đến 31-12-2022, ước tính làm giảm thu NSNN là 4.200 tỷ đồng.

Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 480 tỷ đồng.

Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021, có hiệu lực từ 1/1/2022 đến 30/6/2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 320 tỷ đồng.

Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa, thời gian áp dụng từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022, sẽ bắt đầu có tác động làm giảm lớn số thu ngân sách từ tháng 5/2022.

Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ: giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 .

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcQuản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như thế nào?
Bài tiếp theoThanh khoản ngân hàng vẫn gặp khó, lãi suất sẽ còn tăng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây