Mặt bằng lãi suất mới sẽ hình thành trong quý II?

0
140

Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế đang trên đà phục hồi, dẫn đến lạm phát có nguy cơ tăng cao từ quý II trở đi khi nhu cầu và giá cả nhiều hàng hóa đều gia tăng. Điều đó cũng khiến mặt bằng lãi suất cả tiền gửi lẫn cho vay sẽ tăng trong quý II.

Lãi suất huy động vẫn đứng yên    

Với việc cầu tín dụng bắt đầu tăng nhanh, thanh khoản hệ thống ngân hàng dù vẫn tốt nhưng không còn được dồi dào như trước. Một số ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tháng 5/2021 theo hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn đi ngang, chưa xuất hiện xu hướng tăng.

Chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội) chia sẻ, sau một thời gian tích luỹ, chị có 100 triệu muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Chị quyết định gửi tại VietBank với kỳ hạn ngắn 3 tháng, lãi suất được thông báo là 4%/năm.

“Tôi chọn gửi tiết kiệm ở ngân hàng này vì có mức lãi suất kỳ hạn ngắn cao nhất trên thị trường hiện nay”, chị Hà cho hay.

Theo khảo sát của VnBusiness, bước sang đầu tháng 5, một vài nhà băng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm. Trong đó, có ngân hàng tăng nhẹ lãi suất như: ACB và SHB tăng lãi suất 0,05-0,3 điểm phần trăm; ngược lại, lãi suất giảm tại một vài kỳ hạn ở Kienlongbank (KSBank) và NamABank.

Chẳng hạn, tại NamABank, lãi suất giảm ở hầu hết kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn ngắn 1-3 tháng giảm 0,05 điểm phần trăm, lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm tới 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất kỳ hạn 1 năm là 6,9% khi gửi online (cũng là mức lãi suất cao nhất thị trường) giảm xuống chỉ còn 6,7%.

Trên thị trường hiện nay, lãi suất thấp nhất kỳ hạn 1 tháng thuộc về Vietcombank với mức 2,9%/năm, cao nhất là SCB và NamABank cùng niêm yết ở mức 3,95%/năm. Kỳ hạn 3 tháng, lãi suất thấp nhất là Vietcombank 3,2%/năm và cao nhất là GPBank và VietBank: 4%/năm. Kỳ hạn 6 tháng, thấp nhất là Vietcombank: 3,8%/năm và cao nhất thuộc về CBBank: 6,25%/năm. Kỳ hạn 12 tháng, cao nhất trên thị trường hiện nay là SCB huy động ở mức 6,8%/năm và thấp nhất là Techcombank: 5,2%/năm.

Có thể thấy, những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay chủ yếu là những ngân hàng nhỏ như GPBank, VietBank, SCB, CBBank, NamABank,…

Hiện, 10 ngân hàng được người dân gửi tiền nhiều nhất là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, SCB, Sacombank, MB, ACB, SHB, Techcombank. Tuy nhiên, những ngân hàng này lại có lãi suất rất thấp, có thể thấp hơn các ngân hàng nhỏ từ 1-2,5%/năm.

Cầu tín dụng kéo theo lãi suất cho vay?

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cầu tín dụng đang cho thấy sự gia tăng nhanh trong thời gian ngắn. Với nguồn vốn huy động được, các ngân hàng cũng tìm cách đẩy các gói tín dụng với lãi suất thấp để thu hút khách vay trong thời gian đầu.

Chẳng hạn, Vietcombank đã dành 30.000 tỷ đồng cho gói vay “Kinh doanh tài lộc” để cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất 5,7%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng, 6,3%/năm đối với khoản vay từ 6 – 9 tháng, 6,9%/năm với khoản vay từ 10 – 12 tháng.

Thực tế, thời gian qua, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, mức lãi suất thấp chỉ được áp dụng trong một thời gian ngắn, sau đó nhà băng điều chỉnh lãi suất về mức cho vay thông thường.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, dịch bệnh Covid-19 chưa biết bao giờ mới chấm dứt, do đó sản xuất, kinh doanh sẽ còn khó khăn kéo dài, doanh nghiệp cần ít nhất một năm mới bắt đầu trả dần nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng chỉ cho vay lãi suất thấp trong thời gian rất ngắn, như vậy không hỗ trợ được doanh nghiệp là bao nhiêu.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Nội chia sẻ, hiện lãi suất công ty đang vay trong đầu năm 2021 khoảng 6,9%/năm, nhưng đến cuối năm nay thì mức lãi ưu đãi này sẽ chấm dứt, ngân hàng sẽ tính theo lãi suất cho vay thông thường từ 8-10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho biết, dù lãi suất giảm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được vốn vay. “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay ngân hàng hơn trước đây. Nhiều ngân hàng “soi” rất kỹ và đưa thêm những yêu cầu khắt khe mà doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được, nên không được vay vốn”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.

Dự báo về mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Bởi hiện nay, dịch bệnh vẫn tái phát ở nhiều địa phương và nhiều nước trên thế giới.

Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì kinh tế Việt Nam khó hồi phục nhanh. Khi đó, nhu cầu vốn sẽ xuống thấp và lãi suất cũng phải giảm theo như đã diễn ra trong năm 2020. Ngược lại, dịch được kiểm soát, nhu cầu vốn tiếp tục tăng, khi đó lãi suất sẽ phải cao hơn.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTháng 4/2021, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết trên HNX tăng 3,2%
Bài tiếp theoNâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây