Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố, HĐQT HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 7.281 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tổng tài sản dự kiến tăng 25% lên 399.320 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 26% lên 236.758 tỷ đồng; tổng huy động vốn tăng 25% lên 359.851 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.000 tỷ lên mức 20.111 tỷ đồng trong năm nay bằng phát hành phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%.
Kế hoạch kinh doanh nêu trên của HDBank là khá tham vọng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn khó đoán định. Cùng với đó là việc NHNN áp dụng Thông tư 03 yêu cầu hệ thống ngân hàng phải dần trích lập các khoản nợ được khoanh, giãn, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020 từ năm 2021.
Không chỉ HDBank, nhiều ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm nay.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 với mục tiêu năm 2021 lợi nhuận tăng 25% so với năm 2020, đạt 5.500 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 21% lên 250.000 tỷ đồng. Tổng huy động vốn tăng 20% lên 221.893 tỷ đồng. Dư nợ cho vay và trái phiếu tăng 25% lên 165.434 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Năm 2020, TPBank sẽ không chia cổ tức.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là ngân hàng đầu tiên công bố thông tin chính thức về kết quả kinh doanh quý I/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 698,3 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 dự kiến diễn ra vào ngày 23/4, SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.414 tỷ đồng, tăng 39,6%; Tổng tài sản đạt 198.229 tỷ đồng, tăng 10%; dư nợ cho vay khách hàng đạt 122.978 tỷ đồng, tăng 13%; huy động tiền gửi của khách hàng đạt 124.277 tỷ đồng, tăng 9,7%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Trước đó, một số ngân hàng cũng đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thành công và đưa ra kế hoạch kinh doanh khá cao. Như, BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020; dư nợ tín dụng tăng trưởng từ 10 – 12%; tăng trưởng huy động từ 12 – 15%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,6%.
BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, lên đạt 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6% thông qua việc chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
ĐHĐCĐ thường niên ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 7.510 tỷ đồng, tăng 29,4% so với năm 2020. Tổng tài sản tăng 25,5% lên đạt 307.015 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng tăng 31% lên 224.800 tỷ đồng; huy động vốn tăng 31,2% lên 234.790 tỷ đồng.
VIB cũng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 4.903 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ tối đa 40% và phát hành chào bán 46,59 triệu cổ phiếu. Sau khi hoàn tất quá trình tăng vốn, vốn điều lệ của VIB sẽ đạt gần 16.000 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước.
Theo tờ trình họp ĐHĐCĐ Eximbank, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 63% so với năm trước.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 70% lên hơn 5.500 tỷ đồng.